Trong báo cáo “Trung Quốc hiện đại hóa hải quân: Ảnh hưởng đối với hải quân Mỹ” mà Quốc hội Mỹ đưa ra mới đây, các chuyên gia Mỹ và những người biên soạn báo cáo dự đoán hiện nay Trung Quốc có từ 66 - 75 chiếc tàu ngầm.
Đến trước năm 2020, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể dao động trong khoảng từ 69 - 78 chiếc; trước năm 2026, số tàu ngầm của Trung Quốc dự kiến từ 72 - 81 chiếc.
Quan chức phụ trách văn phòng thông tin của Chủ tịch Tiểu ban Vấn đề hải quân thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Randy Forbes dự đoán tới trước năm 2030, Trung Quốc có thể có 99 chiếc tàu ngầm. Cùng thời gian, Mỹ chỉ còn 53 chiếc tàu ngầm, giảm 8 chiếc so với thời điểm trước năm 2026.
Điều đó có nghĩa người ta có lý do để lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế so với Mỹ về mặt số lượng tàu ngầm. Tuy nhiên, chất lượng tàu ngầm cũng rất quan trọng. Trong khi toàn bộ đội tàu ngầm của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong kịch bản tốt nhất mới chỉ chiếm 50%.
Liên quan tới tàu ngầm Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) chỉ rõ sở dĩ tàu ngầm lớp Tấn trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không thể bí mật tiến vào tấn công các trận địa ở bờ biển nước Mỹ là do độ ồn lớn, rất dễ bị cảm biến âm thanh phát hiện.
Tử huyệt thứ hai của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là khâu thông tin. Quân đội Mỹ đã được trang bị máy bay chỉ huy E-6 Mercury. Đây là một bộ phận của hệ thống liên lạc TACAMO, có vai trò giữ liên kết giữa Bộ Tư lệnh quốc gia (NCA) và lực lượng chiến lược, trong đó có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, người ta chưa thấy quân đội Trung Quốc có loại máy bay này, nên không rõ họ sẽ liên lạc với tàu ngầm chiến lược khi chúng tự hành dưới đáy biển ra sao.
Tử huyệt thứ ba chính là căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Đối với lực lượng chống ngầm của Mỹ và đồng minh, căn cứ này không phải là mục tiêu khó tấn công nhất.