Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp phải tự cứu

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về cơ hội của Việt Nam tham gia AEC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại rằng, hệ thống doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ khó trụ nổi, và trước tiên DN phải tự cứu mình.

Theo bà Lan, khi tham gia một sân chơi lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, trong lúc DN chúng ta còn yếu là thách thức rất lớn. “Với AEC, tôi lo cộng đồng DN Việt Nam có tận dụng được cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hay không chỉ là một phần. Điều lo nhất chính là hệ thống DN nhỏ và vừa trong nước liệu có đứng vững nổi không, khi hàng rào thuế dỡ bỏ và dịch vụ từ các nước tràn vào ta dữ dội”- bà Lan nói. Trong hai, ba năm gần đây, có những làn sóng đổ bộ của các tập đoàn, công ty từ các nước ASEAN vào Việt Nam để đón đầu; nhưng chưa thấy một làn sóng ngược lại, các DN Việt Nam đổ bộ ra bên ngoài.

Bà Lan cho hay, thực tế, số lượng DN quan tâm và biết về AEC còn rất hạn chế. Con số khảo sát của Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây cho thấy, tới 65% DN Việt Nam chưa biết nhiều về cộng đồng AEC. Tuy vậy, qua các cuộc điều tra của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP) các DN khu vực Đông Nam Á nói chung, cũng cho thấy, tỷ lệ họ biết, hiểu về AEC cũng không cao, chỉ 30-35%. Bà nói: “Vì thế, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc họ am hiểu thị trường chung này đến mức nào. Đáng lo là, họ chuẩn bị sức lực thế nào để chuẩn bị cho cạnh tranh mới”.

Tuy nhiên, từ góc độ của DN, bà Lan cho rằng, họ phải cố để tự cứu mình, không chờ Chính phủ được. Mặt khác, DN không nên chủ quan, khi lâu nay mình đã có chút thị phần, hệ thống phân phối thế này, thế kia... Theo bà Lan, các DN cũng có quyền trông đợi và đòi hỏi từ Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. “DN Việt Nam phải đóng góp tới 40,8% cho các loại thuế, phí là quá cao. Trong khi ở các nước ASEAN trung bình 17% thuế thu nhập DN, mình gấp đôi họ như thế thì lấy đâu ra động lực, phần dôi dư để họ tái đầu tư.

Bà Lan cho rằng, chúng ta cứ khuyến khích DN đổi công nghệ, quản lý, đào tạo lao động, tất cả cái đó phải có nguồn lực. Tuy nhiên, nguồn lực làm ra bao nhiêu, phần lớn phải nộp thuế, phí…, thử hỏi họ còn bao nhiêu nữa để đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, phần để họ đầu tư để “lớn lên” được là rất khó.

Theo bà Lan, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc đưa ra cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ mới giải quyết một số vấn đề liên quan đến cắt giảm thủ tục hành chính. Trong khi đó, tiền thuế, phí năm 2015 đang có xu hướng cao hơn năm 2014.  “Xu hướng tận thu của các cơ quan nhà nước, kể cả các bộ ngành, địa phương đang tăng lên. Trong khi các địa phương họ vẫn muốn đầu tư xây trụ sở, tượng đài… hoành tráng”.

“Tôi mong năm 2016, Chính phủ tập trung cao vào việc giảm đi các khoản thu bất hợp lý với DN, để họ có cái đầu tư. Còn để DN ngày càng nhỏ bé đi, rồi chết, thì Nhà nước cũng thất thu. Đây không phải là làm cho DN mà vì nền kinh tế chung, vì DN là người tạo ra tăng trưởng, người đóng góp cho ngân sách”- bà Lan nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.