Trong dự án Luật Thuế tài sản, bên cạnh đánh thuế đối với nhà có giá xây dựng trên 700 triệu đồng, Bộ Tài chính còn đề xuất đánh thuế đối với ô tô có trị giá trên 1,5 tỉ đồng. Mức áp dụng thuế suất là 0,4%, bằng với mức thuế suất đối với đất ở. Đáng chú ý, mặt hàng ô tô bị đánh thuế phải là xe cá nhân, còn xe sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách lại không phải chịu thuế.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, chỉ có 3 nước là Hàn Quốc, Kazakhstan, Bolivia đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có xe hơi, tàu bay, tàu thuyền). Trong 3 quốc gia đó, Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, chứ không đánh thuế xe hơi.
Ở Việt Nam, theo số liệu do Bộ Giao thông - Vận tải cung cấp, 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký thuộc sở hữu của các tổ chức, không có sở hữu tư nhân. Do đó, Bộ Tài chính cũng để thêm phương án không tính thuế nhóm này.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện mặc dù chưa hình thành thuế tài sản nhưng thực chất nhà nước đã đánh thuế tài sản từ lâu. Trong đó có thuế tài sản đánh một lần (phí và các khoản lệ phí khi mua sắm tài sản), thuế tài sản đánh hàng năm (ví dụ việc chuyển nhượng, mua bán đất đai). Theo ông Long, hầu hết các nước trên thế giới đánh thuế tài sản vào nhà đất, bất động sản, ít nước đánh vào động sản (thiết bị, máy móc, phương tiện).
Với Việt Nam, Thủ tướng đã khẳng định không thể không phát triển công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang dậm chân tại chỗ. Mặt hàng ô tô lại được xếp vào nhóm hàng xa xỉ, chịu đủ các khoản thuế, phí khiến giá xe cao ngất ngưởng (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ, phí bảo hiểm dân sự, phí biển số).
Do đó, theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế tài sản với ô tô sẽ càng khiến cho giấc mơ sở hữu ô tô giá hợp lý của người dân càng xa vời. Điều này vô hình trung đi ngược lại với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mà Chính phủ đã vạch ra.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Tài chính cần làm rõ mục đích đánh thuế tài sản với ô tô để làm gì, không thể lấy lý do nhằm tăng thu ngân sách nhà nước. “Tại sao lại đánh thuế ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên và chỉ đánh xe tư nhân, còn xe kinh doanh thì không bị đánh? Thông lệ quốc tế nhưng phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, có lộ trình, căn cứ cụ thể. Thu nhập bình quân của người dân còn thấp, khả năng chi trả, mua sắm không cao. Hơn nữa, để xác định rõ mục đích xe phục vụ cho nhu cầu cá nhân hay dùng để kinh doanh rất khó”, ông Long bày tỏ.
Trên cơ sở đó, vị chuyên gia cho rằng, ngoài mục đích, Bộ Tài chính cũng cần phải xác định rõ căn cứ để đánh thuế. “Thuế tài sản phải căn cứ vào từng khu vực, từng địa phương, giá trị thị trường, không thể cào bằng. Hơn nữa, tiền thuế thu về phải phục vụ đúng mục đích. Chẳng hạn, ở một số nước tiền thuế môi trường thu về không sử dụng đúng mục đích bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt rất nặng”.
Trước đó, báo cáo sơ kết quý I/2018, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch ô tô nguyên chiếc đạt 4,1 nghìn chiếc, trị giá đạt 114 triệu USD, giảm 84% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Số thuế phải thu đạt 1.180 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm thu 7.868 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.