Chuyện gì xảy ra với trực thăng tàng hình duy nhất của quân đội Mỹ?

Trực thăng tàng hình RAH-66 Conmanche
Trực thăng tàng hình RAH-66 Conmanche
TPO - Máy bay quân sự tối tân nào của Mỹ có tiết diện radar tàng hình và các cảm biến tiên tiến nhưng gây phụ trội ngân sách hàng tỷ USD và chậm tiến độ nhiều năm?

Mặc dù tại thời điểm này tiêm kích tàng hình F-35 có thể được nhắc đến, nhưng vào năm 2004, câu trả lời đúng lúc nhất có thể là RAH-66 Comanche. Chiếc trực thăng tàng hình trông bóng bẩy này đã mất 22 năm để phát triển, tiêu tốn hơn 7 tỷ đô la trước khi chương trình bị hủy bỏ đột ngột chỉ với hai nguyên mẫu bay để trưng bày.

Comanche là kết quả của chương trình Thử nghiệm Trực thăng Hạng nhẹ của lục quân Mỹ từ những năm 1980. Trong số các mục tiêu khác, chương trình này muốn chế tạo trực thăng thay thế các máy bay trực thăng trinh sát OH-58 Kiowa và OH-6 Cayuse của Lục quân, vốn có nguồn gốc từ trực thăng dân dụng Bell 206 JetRanger và Hughes 500.

Trực thăng trinh sát chủ yếu được giao nhiệm vụ do thám các vị trí của đối phương và chỉ định chúng để  các lực lượng khác tấn công. Tuy nhiên, chúng cũng thích hợp để tấn công các mục tiêu được bảo vệ nhẹ bằng dàn rocket, súng ngắn, và thậm chí cả tên lửa TOW hoặc Hellfire diệt xe tăng, trong khi trực thăng tiến công Apache bọc thép chống lại khí tài hạng nặng hơn.

Tuy nhiên, Lục quân Mỹ vẫn muốn có một máy bay trực thăng trinh sát có thể sống sót tốt hơn để chống lại các đội quân cơ giới hóa khổng lồ của Liên Xô, vốn được bảo vệ tốt bởi các tên lửa phòng không tầm ngắn tự hành và pháo bắn nhanh.

Và còn cách nào tốt hơn để vượt qua các hệ thống dẫn đường bằng radar này hơn là sử dụng công nghệ tàng hình đang được tiên phong triển khai trên máy bay tàng hình F-117 của Không quân Mỹ?

Sau sáu năm nghiên cứu, vào năm 1988, lục quân Mỹ cuối cùng đã đưa ra yêu cầu đề xuất và năm 1991 đã chọn một thiết kế do Boeing và Sikorsky đề xuất. RHA-66 (trực thăng tấn công trinh sát) này chính thức được đặt tên theo bộ lạc người Mỹ da đỏ Comanche theo thói quen của lục quân Mỹ. 

Lầu Năm Góc đã phân bổ 2,6 tỷ USD để phát triển trực thăng, 1.200 chiếc trong số đó cuối cùng được lên kế hoạch sản xuất tại nhà máy Sikorsky ở Bridgeport, Connecticut với tổng chi phí là 34 tỷ USD (28 triệu USD/ chiếc).

Cùng năm đó, Liên Xô tan rã.

Tuy nhiên, Boeing và Sikorsky đã tiến hành phát triển hai mẫu thử nghiệm có bề mặt không phản xạ radar được làm từ vật liệu composite hấp thụ radar. Điều này được cho là đã mang lại cho chiếc Commanche tiết diện phản xạ radar chỉ bằng 1/250 của OH-58, cho phép nó tiếp cận gần kẻ thù hơn bốn lần trước khi bị phát hiện.

Một hệ thống phân tán nhiệt dẫn luồng khí thải nóng vào đuôi để làm mát bằng quạt đuôi có vòm che và sử dụng sơn làm giảm tia hồng ngoại để giảm mức độ tỏa nhiệt của trực thăng xuống còn 1/4 bình thường. Thậm chí, năm cánh quạt của Comanche cũng được thiết kế để tạo ra tiếng ồn bằng một nửa so với máy bay rtrực thăng thông thường.

Nếu nó bị phát hiện, Comanche được che chắn thêm bởi hệ thống cảnh báo radar, thiết bị gây nhiễu tự vệ, thiết bị phóng mồi bẫy nhiệt, lớp giáp Kevlar và graphite để chống lại các loại đạn súng máy hạng nặng và đạn pháo 23 mm.

Một phi công và sĩ quan hệ thống vũ khí ngồi song song, vận hành chiếc trực thăng với các thiết bị quan sát đặc biệt gắn mũ bảo hiểm và màn hình đa chức năng tinh thể lỏng. Giống như một máy bay chiến đấu tàng hình, Comanche có thể mang tới 6 tên lửa chống tăng Hellfire trong các khoang chứa vũ khí bên trong để không làm tăng tín hiệu radar.

Ngay cả càng đáp của trực thăng trinh sát và khẩu pháo XM301 Gatling ba nòng 20 mm gắn trên cằm cũng được thiết kế để rút vào trong. Nếu hỏa lực được ưu tiên hơn khả năng tàng hình, RAH-66 có thể lắp các mấu cứng và giá treo cho phép nó tăng gấp đôi tải trọng vũ khí.

Comanche có tốc độ tối đa đầy ấn tượng 300km/giờ, khả năng ngoặt vòng tốt vòng lặp-de-vòng, mang theo 12 tên lửa AIM-92 Stinger tầm nhiệt chống tên lửa phòng không. Hệ thống điều khiển fly- by- wire giúp nó hoạt động ổn định ngay cả khi thực hiện các cú ngoặt gấp. 
RAH-66 sử dụng cảm biến hồng ngoại tầm xa để phát hiện kẻ thù, sau đó nó có thể chỉ thị mục tiêu bằng thiết bị laser.

Một radar sóng milimet có thể được tùy chọn gắn trên đỉnh cánh quạt, cho phép phi hành đoàn “nhìn trộm” những đỉnh đồi và qua cây cối. Dữ liệu cảm biến sau đó có thể được chuyển tới các lực lượng khác thông qua liên kết dữ liệu tốc độ cao.

Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô và việc chương trình liên tục đội chi phí đã dẫn đến sự kết thúc đột ngột của máy bay Comanche. Kết cục, chỉ có hai chiếc được chế tạo.

MỚI - NÓNG