Chuyện đời se sắt

TP - Những vụn vỡ đã rơi lạc từ dĩ vãng xa xăm được ghép lại, thành nước mắt chát mặn hình hài thân phận. Cuối hành trình tìm mẹ, trong chuỗi ngày dài mong ngóng tưởng chừng vỡ òa hạnh phúc, bỗng nhiên khép lại với tột cùng đau vỡ, đắng cay.

Bài 1: Tìm mẹ cho em

Sau bão tố cuồng phong là vỡ nát. Những đứa trẻ vô tội gánh lên thân phận mình những thương tích mà họ không cố ý gây nên. Nỗi đau vỡ của những mảnh đời đôi khi bị xem là gánh nặng...

Thư gửi mẹ

“Con chúc mẹ và gia đình của mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc. Mẹ ơi! Con đã bao lần ghen tị với bạn bè vì họ có cha có mẹ. Con muốn lắm một vòng tay, một lời ru của mẹ mà không được. Thay vào đó là vòng tay âu yếm, lời ru ấm áp của bà nội.

Cả thế giới này không ai có thể hiểu con bằng bà được. Bà tần tảo nuôi con khôn lớn, như một người cha, người mẹ và một người bạn luôn ở bên con, cổ vũ con. Bà là mẹ, bà là ba, bà là ông nội, bà là anh chị em trong nhà.

Mẹ ạ! Vì thương bà, nhớ mẹ, con luôn cố gắng đền đáp công ơn dưỡng dục của bà và con đã đạt được học sinh giỏi, xuất sắc cuối năm. Để có được thành tích đó, bà con đã phải xin cho con đi học. Mẹ ơi! Mười một tuổi rồi mà như chưa được sinh ra. Các bạn có hộ khẩu, giấy khai sinh nên các bạn có thể nhập học một cách dễ dàng và đỡ tốn kém. Riêng con thì không... Tuy mẹ đã có một tổ ấm riêng, nhưng con xin mẹ hãy nhớ rằng ở nơi đây, có một người con đang chờ mẹ!”.

Những dòng thư này Lê Thiên Trang viết năm 11 tuổi, trong vai một “tân binh” thuộc Tiểu đội 1, Đại đội 14, Trung đội 1 lớp Học kỳ quân đội. Có mặt trong đêm Tri ân về mẹ diễn ra tại đất Nam Đàn hôm đó, tôi nhớ rất rõ hình ảnh một cô bé với gương mặt đầm đìa nước mắt được dìu lên sân khấu. Em dường như kiệt sức, đôi tay mảnh mai bấu víu vào bờ vai của người bên cạnh. Khi những người bạn rối rít gọi điện về cho gia đình, rổn rang khoe những “chiến tích” ngày đầu tiên nhập ngũ, thì  có một cô bé lạc lõng giữa đám đông, lặng lẽ gục đầu xuống vệ cỏ. Tấm thân gầy rung lên từng đợt.

Lá thư viết đêm đầu tiên xa nhà, thay vì gửi đến địa chỉ của mẹ, em lại gửi về cho bà nội. Thực lòng, em không biết mẹ em giờ đang ở đâu.

Chuyện đời se sắt ảnh 1

Thư viết cho mẹ nhưng không biết mẹ đang ở đâu, Lê Thiên Trang đành gửi về cho bà nội.

Nhọc nhằn tuổi thơ

Ba em, một công nhân Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh, nhà ở Vinh. Mẹ, quê Thanh Chương (Nghệ An). “Năm 2004, Lê Thiên An (ba Thiên Trang) cưới vợ, nó là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em nên tôi cưng chiều lắm. Mà cưng chiều thì dễ lạc đường”, bà Nguyễn Thị Cảnh - khối Đông Lâm, phường Hưng Dũng kể. Cuộc hôn nhân của chàng trai gốc Vinh và cô thiếu nữ Thanh Chương chỉ “cơm lành, canh ngọt” năm đầu, đến năm sau đã rạn nứt, đổ vỡ. Trần Thu Hiền tay xách nách mang bồng con về quê ngoại khi con gái Lê Thiên Trang chưa tròn một tuổi.

“Ba nó nhớ con, đánh đường lên Thanh Chương tìm, ôm Trang về Vinh. Một thời gian sau thấy cảnh gà trống nuôi con tội nghiệp hơn nữa để con gái có hơi mẹ, nhân bữa đứa con gái tôi cưới chồng, tôi gửi cháu Thiên Trang về ngoại hy vọng gặp mẹ. Từ năm 1 đến 6 tuổi, Thiên Trang vẫn thường được gặp mẹ. Nhưng kể từ khi cháu vào lớp Một đến nay, tròn 6 năm cháu không được sống cùng mẹ nữa. Không hiểu mẹ cháu đi đâu, làm gì mà không về với con?”, bà Cảnh nói.

Chuyện đời se sắt ảnh 2

Bà là mẹ, là cô, là bạn... Ảnh: Quang Long.

Bà Nguyễn Thị Cảnh làm nông, cơ cực đường đời, trắc trở tình duyên. Vợ chồng ăn ở với nhau hơn 10 năm, có 2 mặt con thì chồng bỏ vào Quảng Trị sinh sống với người khác. Bà thay chồng nuôi ba đứa con. Năm 2007, con trai Lê Thiên An mất. Con dâu bỏ về quê ngoại, bà Cảnh lại thay con nuôi cháu. “Nghề làm ruộng vất vả, tôi ngày càng già yếu không còn sức cày cấy nên trả ruộng cho HTX, về loanh quanh với bếp núc gia đình”, bà Cảnh kể. Hai con gái đi lấy chồng, bà “nông dân về hưu” không lương, không trợ cấp, hằng tháng sống nhờ đồng tiền thu được từ mấy ki-ốt cho sinh viên thuê trọ.

Không được sống cùng mẹ, lên 2 tuổi mồ côi cha, Lê Thiên Trang đã sớm nhận thức được nỗi mất mát, thiệt thòi của mình. “Bà tần tảo nuôi con khôn lớn, như một người cha, người mẹ và một người bạn luôn ở bên con, cổ vũ con. Bà là mẹ, bà là ba, bà là ông nội, bà là anh chị em trong nhà”, những dòng thư Trang viết cho mẹ, cũng chính là viết cho bà nội, người đã sớm hôm thay mẹ đỡ đần, chăm sóc khi em còn nhỏ. Mấy năm trước có dịp về quê ngoại, cô bé tần ngần đứng nhìn ảnh của mẹ. “Cháu thấy mẹ có đẹp không?”, ai đó vô tình buột miệng hỏi. Trang im lặng gật đầu. “Về Vinh, nó khóc. Nó hỏi, bà ơi mẹ đi lấy người khác rồi có phải không bà? Vậy là mẹ không về ở với con nữa?”, bà Cảnh nhìn cháu, rưng rưng.

Chuyện đời se sắt ảnh 3

Nương tựa vòng tay bạn bè.

Xin mẹ hãy quay về

“Nhà tôi trên nền đất thấp, mưa lụt cực lắm. Có đêm hai bà cháu đang ngủ ngon tỉnh dậy thấy giường chiếu nổi lềnh bềnh, xung quanh nước lụt bủa vây”, bà Cảnh kể. Đám sinh viên thuê trọ thỉnh thoảng lại sang giúp bà buộc lại tấm phên, sửa mái ngói. Hàng xóm láng giềng lúc bà đau yếu nằm viện, thay nhau sang động viên đứa bé. Người mang sang chiếc bánh, kẻ san sẻ bát cơm. Nhưng mấy ai thấu hiểu được tâm trạng, nỗi thiếu vắng đã mài mòn, ăn sâu vào ký ức, tâm khảm của người đàn bà góa bụa và cô bé mồ côi. Vừa được một doanh nghiệp tặng cho chiếc xe đạp mới tinh, Trang bảo bà bán lấy tiền lo cho sinh hoạt hằng ngày, chấp nhận đạp chiếc xe đạp cũ. “Hồi chưa có xe đạp, ngày mưa tháng rét tôi thường cõng cháu từ nhà đến trường tiểu học Hưng Dũng 1 gần ủy ban xã. Cháu lớn lên, bà ngày càng già yếu. Nó một mình ở nhà, còn nhỏ nhưng đã phải tự túc trong mọi sinh hoạt. Nấu ăn, giặt giũ, mang cơm đến bệnh viện cho bà...”, bà Nguyễn Thị Cảnh nhớ lại. Sau buổi học ở trường, nếu không đi học thêm thì Thiên Trang lại đạp xe về với bà nội. Hai bà cháu quấn quýt nhau như hình với bóng.

“Vất vả nhất là năm nó lên 7 tuổi, bắt đầu đi học. Tôi cả đời làm nông không quen với giấy tờ, đến khi làm thủ tục cho cháu mới hay cần có hộ khẩu, mà hộ khẩu thì bị cắt về Thanh Chương từ đời thuở nào rồi. Chạy đôn chạy đáo nhờ nhà trường và ủy ban phường giúp mới nhập học được cho cháu”, bà Cảnh cho hay. Trang bị bệnh tim, thường xuyên phải uống thuốc kháng sinh, gần đây lại bị cắt mất chế độ bảo hiểm y tế. “Càng già, càng hay đau ốm. Tôi sợ một ngày nào đó vì bệnh tật tôi nằm xuống, thương cháu Trang bé bỏng côi cút không biết nương tựa vào ai. Mong cháu được cấp chiếc thẻ bảo hiểm y tế, bà cháu hàng ngày lo cái ăn không đủ tiền mua thuốc. Cái này tôi lên Sở LĐ-TB&XH Nghệ An hỏi rồi nhưng thấy thủ tục rườm rà lắm, họ nói phải 3 lần thông báo trên tivi, trên báo về việc tìm mẹ, với lại chi chi đó!”, bà Cảnh nói.

Quá khứ với nhiều đau thương, rạn vỡ do người lớn gây ra đã thành những cơn dư chấn tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ thơ. Mỗi lúc ra đường hay xuất hiện trước đám đông, Thiên Trang lại nép mình, nem nép cúi đầu, em sợ người khác nhìn thấu thiệt thòi thân phận. “Đã hai lần nó dại dột tìm cách quyên sinh bằng thuốc trợ tim, may phát hiện sớm cấp cứu kịp!”, bà Cảnh nói. Sợ nhất là những ngày lễ tết, nghỉ hè. Khi xung quanh mọi người quây quần bên gia đình hay náo nức chuẩn bị cho những chuyến đi xa, cô bé mồ côi hết chạy ra ngõ ngóng trông lại thui thủi vào nhà, côi cút một mình...       

(Còn tiếp)

Hằng đêm, tôi vẫn đạp xe qua con đường này. Con đường hun hút gió từ hồ Goong dẫn tới bờ đê, ven bãi lau lách sông Lam. Những dòng xe qua, vô tình. Mưa cũng vô tình bên dòng sông uốn khúc mải miết xuôi về Cửa Hội. Số 54, đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh, ngôi nhà ẩm thấp, cửa luôn khóa chặt như giấu đi nỗi buồn thân phận của một trẻ, một già. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.