Chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước trên diện tích 12 ha

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước trên diện tích 12 ha
Đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác Đa Phước, của Công ty xử lý chất thải Việt Nam được thực hiện trên diện tích hơn 12 ha, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, với công suất 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. 
 

Ngày 14/1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng đoàn sở ngành của TPHCM đã có buổi thị sát thực tế và làm việc với ông David Duong- Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam – VWS. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Toàn Thắng, GĐ Sở TN&MT TP.HCM cho biết, sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư VWS, hiện dự án chuyển đổi công nghệ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang đi những bước cuối cùng trước khi trình hội đồng thẩm định của thành phố cũng như trình UBND TP phê duyệt. 

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước trên diện tích 12 ha ảnh 1 Ông David Dương báo cáo tình hình thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác Đa Phước, của Công ty xử lý chất thải Việt Nam được thực hiện trên diện tích hơn 12 ha, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, với công suất 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày. Với mục tiêu là: biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, compost; Giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa; Giảm phát thải carbon và khí nhà kính; Nhân rộng việc sử dụng khí nén lỏng tái tạo nhiên liệu sạch, cung cấp cho các phương tiện giao thông, nhằm giảm tối đa ô nhiễm môi trường không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Tăng cường các giải pháp đa dạng nhằm quản lý chất thải rắn. Tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đô la Mỹ.

Theo định hướng phát triển của thành phố, đến năm 2025, tỉ lệ chôn lấp rác chỉ chiếm khoảng 25%, 75% rác thải còn lại sẽ chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện (tổng khối lượng rác trung bình hiện nay của TP.HCM là hơn 9.000 tấn/ngày). Chính vì vậy, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước cũng đang lập dự án chuyển đổi từ chôn lấp rác hợp vệ sinh sang công nghệ mới.

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại Đa Phước trên diện tích 12 ha ảnh 2 Ông Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo sở ngành và VWS thực địa khu xử lý rác Đa Phước

Theo ông David Duong- Tổng giám đốc VWS, dự án “Chuyển đổi công nghệ Đa Phước” sẽ đầu tư ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích hơn 12 hecta, có công suất xử lý 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, vốn đầu tư 432 triệu USD. Mục tiêu của dự án là giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa; biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, khí hóa lỏng CNG, phân compost; giảm phát thải carbon và khí nhà kính…  Theo đó, trong tổng số 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, sau khi sàng lọc dự án sẽ đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày; sử dụng công nghệ ủ kỵ khí AD công suất 1.800 tấn/ngày và sản xuất compost công suất 500 tấn/ngày. Đơn giá xử lý đề xuất của VWS là 33,60 USD/tấn. 

"Ưu điểm của dự án là kết hợp các công nghệ tiên tiến của Phần Lan và Mỹ nên hệ thống xử lý khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, đến khâu tạo ra sản phẩm. Tận dụng và xử lý tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt đầu vào. Chế biến rác thải thành điện năng và sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường như phân bón, khí nhiên liệu CNG, điện năng. Đặc biệt là giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa, hệ thống xử lý thiết kế kín, kết hợp với bộ lọc sinh học nhằm ngăn ngừa phát tán mùi hôi ra bên ngoài"- ông Dương trình bày.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở TN&MT cùng các sở, ngành sớm thu xếp giải quyết những vướng mắc còn lại của khâu thẩm định dự án. Đồng thời yêu cầu ngay sau Tết Nguyên đán, Sở TN&MT sớm tổ chức buổi thẩm định dự án để lãnh đạo thành phố tham gia, có ý kiến, các công việc phải có các mốc thời gian cụ thể. Bởi lẽ, dân số ngày càng tăng, khối lượng rác ngày càng nhiều và người dân cần được sống trong môi trường sạch sẽ hơn, ít ô nhiễm hơn…

"Đây là nhà đầu tư rất lâu năm. VWS có đến 12 năm đeo đuổi thì doanh nghiệp cũng hiểu được đặc tính rác ở đây như thế nào. Tôi cũng đề nghị hội đồng thẩm định công nghệ để xem xét, cho ý kiến. Toàn bộ dự án sẽ được lãnh đạo thành phố nghe lại toàn bộ. Riêng doanh nghiệp, khi được góp ý về mặt công nghệ thì phải khẩn trương triển khai. Đứng về phía thành phố thì sẽ cố gắng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đề nghị các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ"- ông Phong nói đồng thời đề nghị cơ quan chức năng thực hiện khu vực cách ly 280ha cây xanh giữa Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và khu dân cư. 

MỚI - NÓNG