Theo ông Giang, thời gian qua, UBND cấp huyện, cấp xã nhìn chung đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhất là việc hạn chế số lượng hồ sơ trễ hẹn/quá hạn.
Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là đối với cấp xã chưa có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng hồ sơ trễ hẹn/quá hạn của cấp huyện, cấp xã chiếm 98.9% tổng hồ sơ trễ hẹn/quá hạn của cả tỉnh (725 hồ sơ/733 hồ sơ trong Quý I năm 2022), trong đó cấp xã chiếm 77.9% với 571 hồ sơ.
Theo đó, ông Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc sử dụng Phần mềm Một cửa điện tử, thường xuyên để xảy ra hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn/quá hạn.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ chỉ đạo kiểm tra, tổng hợp, báo cáo giải trình các nội dung liên quan đến việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn/quá hạn của địa phương; triển khai thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng hồ sơ tồn đọng, kéo dài thời gian giải quyết, nhất là liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quy trình phối hợp xử lý công việc. Kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 30/5.
Thực hiện chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên để hồ sơ trễ hẹn/quá hạn và có biểu hiện thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; hướng dẫn, kiểm tra việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm thực chất, khách quan...