Chuyện chưa kể về cô gái Việt đi 80 nước

Chuyện chưa kể về cô gái Việt đi 80 nước
Như chính tác giả cuốn du ký đầy lôi cuốn “Tôi là một con lừa” (vừa ra mắt chiều 14/5 tại Hà Nội) đã nhìn lại: “15 năm trước, tôi có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được có ngày mình sẽ giành được học bổng thạc sĩ của hai trường ĐH Châu Âu, rồi còn học lên tận tiến sĩ, chu du tới hơn một phần ba thế giới, ra sách này sách nọ “hù” thiên hạ, và bây giờ đứng lớp gõ đầu một lũ tây. Khi ấy, tôi không thể tưởng tượng được, đơn giản vì năm ấy, tôi trượt đại học...”.

Giảng viên khoa Kinh tế, ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), thạc sĩ khoa học ngành thiết kế giáo dục, tiến sĩ ngành giao tiếp đa văn hoá... - Mãi, tôi vẫn không quen được cái danh xưng ấy: Tiến sĩ Phương Mai.

Phương Mai (thứ 3 từ phải sang) với những người dân nghèo Ấn Độ.
Phương Mai (thứ 3 từ phải sang) với những người dân nghèo Ấn Độ..

Có lẽ chỉ là vì tôi đã quá biết (đến “mất thiêng”) một Phương Mai, từng cùng là thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa của Báo Hoa Học Trò, rồi thành đồng nghiệp cùng cơ quan, hồi mới vào nghề. Và vì vậy, thay vì nói về cuốn sách (mà tôi nghĩ tốt nhất là bạn nên tự đọc), tôi sẽ nói về một Phương Mai - ngày chưa được biết.

Ngày đó, tôi đã tưởng bạn mình sẽ sống một cuộc đời đơn giản nhất. Nhà chỉ cách cơ quan có ba bước chân. Đến cái xe máy Viva Mai cố gắng mua được hồi đó cũng hầu như không mấy khi có cơ hội ra đường, vì gần như cả ngày Mai “mọc rễ” ở tòa soạn. 24 tuổi, được cân nhắc lên vị trí thư ký tòa soạn một tờ báo tên tuổi của làng báo - vị trí vốn hiếm khi dành cho những cây bút mới vào nghề, không phải là không có những lời ra tiếng vào.

Nhưng Mai mặc kệ, vẫn cái kiểu ăn mặc, trang điểm chẳng giống ai và ngày ngày đi dép xỏ ngón (hoặc guốc mộc) sang cơ quan như... đang qua chơi nhà hàng xóm. Và những chiếc váy (vào cái thuở còn rất ít người dám cả gan mặc váy ngắn đến cơ quan) thì đến là khiêu khích...

Nhưng câu trả lời, không lâu sau đó, thì quả là ghê gớm: Lượng tiara của báo lập tức tăng vọt, sau những phép cải tiến đầy mạnh bạo. Sự hoài nghi biến mất. Đã tưởng cứ đà đấy, chả mấy chốc, Mai sẽ dần chinh phục nốt những vị trí cao hơn thì bất ngờ Mai tuyên bố: “Nghỉ! Đi du học!”, mà không hề hẹn ngày về, dù những chiếc ghế vẫn ngỏ ý chờ. Việc Mai đi du học khiến những người bạn trong nhóm chúng tôi cũng há hốc.

Vì chả biết Mai kiếm học bổng lúc nào, khi thường tối mịt mới rời cơ quan, xong thì đi bơi, đi ăn, đi vũ trường. Và chưa từng một lần hé răng về ý định đi du học. Vậy mà, đùng một cái, Mai kiếm được một lúc hai học bổng, vào cái thời Internet chưa hề phổ biến như sau này. Về sau, khi truyền kinh nghiệm săn học bổng, Mai chỉ nói vỏn vẹn mấy chữ: “Cứ âm thầm mà làm! Thường nói ra sẽ chẳng làm được nữa đâu!”.

Tôi nhớ, hồi đó, một trong những câu mà Mai hay mắng tôi nhất là: “Tại sao cậu lại phải sống hộ người khác? Sao lại tự cho mình cái quyền đó và tự tước đi của mình cái quyền được sống cho mình?”. Điều đáng yêu nhất ở Mai, tôi nghĩ có lẽ chính là... sự “ích kỷ” đó: Sống cho mình. Để sau bằng ấy năm, nếu như cái chúng tôi có là nhà, là xe..., thì Mai vẫn... tay trắng và luôn kêu hết tiền.

Nhưng chỉ khi ngồi với Mai hay đứng trước những trang viết và những bức hình của con người ưa xê dịch ấy, thì mới thấm cái nỗi: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp - Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” là tẻ nhạt tới nhường nào. Dù vẫn biết, lựa chọn nào, nhất là ở người phụ nữ, xét cho cùng, đều có lý...

Về cuốn “Tôi là một con lừa”. Tự nhận mình “là một con lừa”, với hàm ý “thân lừa ưa nặng”, Phương Mai sở hữu một “bảng chiến công đáng nể” có thể làm ghen tị bất cứ một “phượt thủ” nào: Gõ cửa gần 80 quốc gia trên thế giới ở tuổi 37.

Trong đó, có những địa danh cô là người Việt đầu tiên đặt chân trong những tình huống thử thách lòng can đảm nhất, và cả sự mưu trí, khôn ngoan, cùng may mắn. Từng viết văn, làm báo và hiện là giảng viên bộ môn giao tiếp đa văn hóa tại ĐH Amsterdam - Hà Lan, lên đường, với Phương Mai không phải là câu chuyện “làm le” với thiên hạ mà là những trải nghiệm vô cùng cần thiết cho nghề nghiệp, cũng như hương vị sống ở một người có cá tính mạnh như cô.

Để sự trải nghiệm có thể chạm đến tận cùng như mong muốn, cô đã chọn cho mình một tâm thế lên đường không mấy thông thường: “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với một niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”.

Trong đó, sự đổi thay mà Phương Mai cho là ý nghĩa nhất, đó chính là: Định kiến, không chỉ trước những nền văn hóa xa lạ mà ngay với chính những góc khuất không dễ phát lộ ở con người mình, nếu như không có những chuyến đi...

Theo Lê Thủy
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.