Anh H. (ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), một trong những người chứng kiến kể lại sự việc: Con cá trên được một xe cẩu chở về Cảng cá Lạch Hới trưa ngày 5/5. Người quản lý con cá này không thực hiện cân cá, nhưng qua quan sát bằng mắt thường, cá nặng chừng khoảng 4 đến 5 tạ. Sau khi cá được cẩu đưa xuống vỉa hè, trước khu đất trống trong Cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), người chủ cá đi tìm thuê người mổ, nhưng người địa phương không ai mổ. Có một người thợ chuyên mổ lợn được nhờ đến mổ cá, nhưng khi nhìn thấy con cá trên, người thợ mổ lợn quỳ lạy cá xong rồi đi về. Mãi sau đó, 2 người thợ làm đá lạnh được chủ cá thuê mổ, cắt con cá trên. Cả hai người này đều không phải là người địa phương, trong đó có một người lấy vợ là người địa phương. Hay tin chồng đang mổ cá lớn, người vợ chạy đến vừa khóc lóc, vừa than vãn, la mắng vì theo quan niệm của người dân vùng biển thì việc làm trên là tối kỵ. Người chồng đành bỏ dở việc mổ, cắt cá cho người còn lại.
Bà N, một ngư dân địa phương, chuyên buôn bán cá ở Cảng cá Lạch Hới cho biết: Cá được đưa về vào đúng hôm chủ nhật ngày 5/5 (tức 1/4 âm lịch). Khi cá được đưa xuống khỏi xe, một số người hiếu kỳ thì đứng xem, còn số khác thì chắp tay lạy cá rồi đi nơi khác. Có người tưởng cá còn sống thì bảo thả cá về biển, nhưng lúc đó, con cá này đã bị chết. Người chủ cá lúc đó bắt đầu hoang mang, con cá thì lớn, không còn cách nào khác đành phải thuê người cắt khúc để vận chuyển đi. Chúng tôi thấy cá đang còn phải quỳ lạy vì những điều tâm linh bao đời này của người đi biển, làm nghề biển. Hễ cứ thấy những loài cá lớn này thì nếu gặp cá còn sống thì phải rải muối, gạo cho cá, nếu gặp cá đã chết thì phải chôn cất. Các thông tin nói cá trên được cắt khúc, người dân mua về ăn là không đúng, nói và nghĩ vậy thì tội lắm.
Sau khi đưa cá vào bến tại huyện Tĩnh Gia, chủ tàu Trịnh Tứ Thiệu (40 tuổi, ở Trung Thịnh, phường Quảng Tiến) cho tàu quay lại biển, tiếp tục công việc khai thác cá. Thông tin ban đầu cho biết, khi tàu của Trịnh Tứ Thiệu phát hiện con cá trên mắc vào lưới đã chết. Một số người chưa có kinh nghiệm cho rằng, con cá trên có thể ăn được, vi cá có giá trị nên chủ tàu đưa cá vào bến tại Tĩnh Gia, sau đó để người nhà thuê xe đưa cá về Cảng cá Lạch Hới ( để mổ. Tuy nhiên, sau khi đưa cá về Cảng cá Lạch Hới mới phát hiện ra vi cá không có giá trị, chưa có ai ăn thịt loài cá này bao giờ nên chủ cá đã cắt khúc vận chuyển toàn bộ các bộ phận cá đến nơi khác nghiền làm bột cá.
Được biết, hiện nay người thân của người đưa con cá lớn này về đang rất hoang mang lo lắng về vấn đề duy tâm sau khi cắt mổ cá lớn. Đặc biệt, tối 6/5, một trận giông lớn kèm theo tiếng sét nổ liên hồi xảy ra tại khu vực này, khiến cho nhiều người hoang tin về sự “cảnh báo” của thiên nhiên sau sự kiện cá lớn bị mổ cắt tại đây.
Ghi nhận tại Cảng cá Lạch Hới, mọi hoạt động của tàu thuyền cập bến, thu mua cá vẫn diễn ra bình thường, nhưng không ai muốn nói đến chuyện con cá lớn được đưa về từ biển rồi mổ cắt tại đây. Nhiều người suy luận, những người đưa cá về là những người thiếu hiểu biết.
Anh N. Chia sẻ: Bằng mắt thường, ngư dân không thể biết được loài cá nào là loài cá cấm khai thác. Nhưng, hầu hết đối với người đi biển, khi gặp những loài cá lớn này, nếu cá còn sống vướng lưới thì tháo lưới cho cá đi. Vì loài cá này không ăn được mà lại là loài “cá thiêng” trong quan niệm của người dân đi biển. Nhiều người đi biển đã nhìn thấy loài cá này và thường gọi nó với tên gọi là cá Diều Hoa. Cá thường xuất hiện ở khu vực có tàu thuyền, hay cọ sát lưng vào mạn thuyền. So với những con cá thuộc loài này mà ngư dân đi biển từng nhìn thấy, thì con cá này thuộc loại nhỏ.
Chiều 7/5, ông Trần Học Đính, chủ tịch phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) cho biết: Hiện nay, người thân của gia đình chủ tàu cá đã đưa cá thể cá trên về đang rất hoang mang. Hiện chúng tôi cũng đang chờ chủ tàu cá về để nghe toàn bộ sự việc để có báo cáo một cách chính xác nhất với cơ quan chức năng.
Được biết, vì lo lắng với những gì mình làm do thiếu hiểu biết, nên có người đang mong muốn được làm các nghi lễ tâm linh để mong những điều lành đến với người thân, gia đình sau sự việc.
Ông Lê Đức Giang, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Do không còn mẫu từ cơ thể cá, nên ngành chức năng chỉ còn có thể gửi hình ảnh nhờ cơ quan khoa học xác minh loài cá trên thuộc loài gì. Sau khi có kết quả xác minh, cùng với việc trao đổi với chủ tàu cá, mới có cơ sở để xem xét, xử lý các việc tiếp theo.