Vừa qua, trang web The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng sân bay Tân Sơn Nhất đứng thứ 4 trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Tân Sơn Nhất bị liệt vào top này.
Mậu dịch viên thời bao cấp?
Chiều 28/10, chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đón người quen từ Hà Nội bay vào TPHCM. Đang giờ cao điểm, các con đường dẫn vào sân bay ùn ứ. Bãi giữ xe hai bánh trong sân bay từ chối phục vụ. Hàng chục người phải đưa xe sang đường Hồng Hà gửi tạm rồi lội bộ vào sân bay.
Nhà ga trong nước đông nghẹt. Ô tô, taxi các loại đỗ xịch trước sảnh đón trả khách hết sức lộn xộn, dù nhân viên bảo vệ sân bay liên tục nhắc nhở. Xe này trả khách chưa xong xe khác trờ đến, nhiều người giật mình vì đứng trước mũi xe. Mấy đứa trẻ hiếu động chạy nhảy trước đầu xe khiến người nhà thót tim.
Mạng wifi trong sân bay chậm đến không ngờ. Việc truy cập vào các trang mạng hết sức khó khăn. Chúng tôi ghé vào một nhà hàng ở tầng trệt rồi vội vã tìm cớ bỏ đi vì giá đắt kinh khủng. Chai nước suối nhỏ bên ngoài bán 5.000 đồng, trong sân bay lấy giá 25.000 đồng, đắt gấp 5 lần.
Anh Hải (34 tuổi, ngụ quận 1) ngồi bên cạnh lắc đầu: “Các món ăn trong sân bay dở tệ. Tháng bảy vừa rồi về quê, vì đi chuyến bay sớm nên vợ chồng tôi chưa kịp ăn sáng ở nhà. Đến sân bay mua hai ổ bánh mì hết 120 nghìn đồng (mua bên ngoài chỉ 15.000 đồng/ổ) nhưng chỉ ăn nửa ổ rồi bỏ, không hiểu họ buôn bán kiểu gì”.
“Sân bay Tân Sơn Nhất là hình ảnh của đất nước, quốc gia, TPHCM, của ngành GTVT, không của riêng ai cả. Chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng hình ảnh đó ngày một tốt hơn, mang lại sự thuận tiện sự hài lòng cao nhất cho hành khách” .
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Anh Hải cho biết chuyến đi đó, hành lý ký gửi của anh phải đóng gói lại 2 lần tại quầy dịch vụ của sân bay TSN (chưa tính lần đóng trước khi gửi) và phải trả phí đóng gói 250.000 đồng kèm với thái độ hách dịch của kiểm soát viên, nhân viên kiểm tra an ninh, thái độ phục vụ cứ như là các mậu dịch viên thời bao cấp.
Loan (21 tuổi, du học Singapore) kể một lần về nước, lúc xếp hàng qua cửa khẩu sân bay TSN, một nữ nhân viên sân bay mặc đồng phục xanh ngang nhiên chồm tới lấy cây viết đang cài trên ve áo một khách du lịch người Nhật khiến chị này ngỡ ngàng.
“Chị ấy khá xinh đẹp nhưng ăn nói cộc lốc. Cầm hộ chiếu của mình nói trống không: “Đi du học hả? Mới về lần đầu hả ?…rồi cứ lật tới lật lui. Mình kiên nhẫn đứng chờ. Sau này mới đoán ra được. Thật đáng buồn” – Loan nói.
Chị Hương (47 tuổi, doanh nhân) thường xuyên ra nước ngoài giao dịch làm ăn và bị “làm khó” tại sân bay TSN. “Họ không vòi vĩnh trắng trợn mà đòi khui thùng hàng kiểm tra. Mình hiểu ý nên kẹp tờ 10 USD vào xấp giấy tờ và được giải quyết rất nhanh” – chị Hương nói.
Chưa phát hiện nhũng nhiễu
Một trong những lý do sân bay TSN bị xếp hạng kém là tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu cho biết, sân bay được lắp camera theo dõi nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhận tiền của hành khách.
Tại cuộc họp bàn các giải pháp chấn chỉnh, ông Đặng Tuấn Tú, giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế TSN thừa nhận vào những lúc cao điểm, mạng wifi trong khu vực sân bay bị nghẽn mạng, bãi giữ xe hai bánh 4.000 chỗ nhiều lúc phải ngưng nhận xe do sân bay đang trong tình trạng quá tải. Dự báo trong năm 2015, sân bay TSN có thể đón đến 26 triệu lượt hành khách, trong khi theo quy hoạch, nếu nhận thêm 8 ha đất quân sự mở rộng nhà ga, sân đỗ vào năm sau thì theo thiết kế cũng chỉ đáp ứng 25 triệu lượt khách/năm.
Theo ông Tú, sân bay quá tải nên chủ yếu dành cho hàng không. Thiết kế của nhà ga còn nhiều bất cập, luồng khách đi và đến giao cắt nhau. Nhà ga mỏng, hành khách phải rồng rắn xếp hàng làm thủ tục. Sắp tới, sân bay TSN xã hội hoá đầu tư bãi đỗ xe, xây dựng hai tầng hầm 68.000 m2. Tầng hầm cũng dành cho xe vào sân bay tránh giao cắt với luồng xe từ sân bay đi ra. Hành khách đến sân bay sẽ đi theo đường hầm, không băng qua sảnh
Ông Tú cho biết sân bay TSN đã lập đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận phản ảnh của hành khách. Hai tuần một lần, sân bay phát phiếu lấy ý kiến hành khách và cho lắp các hộp thư tiếp nhận ý kiến nhưng chỉ nhận được các ý kiến khen, chê, phàn nàn thái độ phục vụ của nhân viên sân bay chứ chưa phát hiện tình trạng tham nhũng.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo Cục Hàng không và các đơn vị có liên quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu thành lập Tổ công tác để kiểm tra, đánh giá thực trạng khai thác và chất lượng dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất từng công đoạn từ mặt đất đến bầu trời, từ trong sân bay ra ngoài.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá thực trạng sân bay TSN còn nhiều tồn tại, bất cập, trong đó nguyên nhân chủ quan còn nhiều như tổ chức không khoa học, bố trí người không đúng… và yêu cầu Cục hàng không cần điều chỉnh lại theo nguyên tắc giãn các khung giờ cao điểm, giãn thời điểm hoạt động trong ngày với chính sách điều chỉnh giá cả phù hợp.
Bộ GTVT triển khai giải pháp gì?
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, để cải thiện chất lượng dịch vụ sân bay TSN, gần đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng liên tục chủ trì hai cuộc họp tại Bộ và TPHCM. Trong đó, Bộ trưởng GTVT yêu cầu tăng cường phối hợp, xác định rõ trách nhiệm để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu; nâng cấp hạ tầng bằng cách mở rộng sân đỗ tàu bay và xây dựng nhà để xe ở sân bay TSN... Bộ GTVT và UBND TPHCM đã tính đến cả giải pháp chống ùn tắc giao thông đường bộ tại nhà ga và các tuyến đường dẫn đến sân bay TSN.
Ông Thanh cho biết, giải pháp quan trọng nhất được tính đến là sắp xếp lại slot (thời gian, vị trí chuyến bay đi/đến) nhằm giãn khung giờ cao điểm, tăng thời gian hoạt động trong ngày để giảm áp lực cho sân bay TSN. Để thực hiện phương án này, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không ban hành khung giá linh hoạt để khuyến khích hãng hàng không bay vào giờ thấp điểm.
Việc tăng cường bay vào giờ thấp điểm với chi phí thấp sẽ kéo theo việc hạ giá thành vé đối với hành khách như diễn ra tại nhiều nước.