Chuyện 10 cô gái Lam Hạ lên sân khấu

TP - Lam Hạ được ví như Đồng Lộc thứ hai của Việt Nam. Câu chuyện 10 cô gái hy sinh khi tuổi đời đều rất trẻ, chỉ từ 16-24 tuổi đã trở thành cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật. Năm nay, lần đầu tiên, hình tượng 10 cô gái Lam Hạ được đưa lên sân khấu Chèo.

10 bông hoa thép

Trở lại một chút với câu chuyện lịch sử những năm chiến tranh leo thang ra miền Bắc, người Mỹ tuyên bố “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Lam Hạ, thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam là một trọng điểm giao thông quan trọng, là tuyến đường huyết mạch của hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.

Chuyện 10 cô gái Lam Hạ lên sân khấu ảnh 1

Hình ảnh 10 cô gái Lam Hạ lên sân khấu Chèo.

Nhằm ngăn chặn, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quanh thị xã Phủ Lý bấy giờ được bố trí nhiều trận địa pháo phòng không cố định và cơ động. Riêng tại xã Lam Hạ có tới 8 trận địa bố trí liên hoàn ở các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc và Đường Ấm.

Để hỗ trợ, phối hợp với các trận địa pháo cao xạ của bộ đội, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập vào ngày 5/8/1965 gồm 87 người. Đây là lần đầu tiên trên miền Bắc, trong kháng chiến chống Mỹ, một đại đội dân quân phòng không 14, 7 ly cấp xã được thành lập hòa chung lưới lửa lực lượng phòng không 37 và 57 ly của bộ đội địa phương và chủ lực để bảo vệ tuyến đường huyết mạch Bắc Nam. Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội.

Chuyện 10 cô gái Lam Hạ lên sân khấu ảnh 2

Tái hiện cảnh hai nữ dân quân Thu, Thi “làm nũng” mẹ trước khi ra trận.

Cũng ở đây, chỉ trong 9 tháng, từ tháng 10/1966 đến tháng 7 /1967, 10 nữ pháo thủ dân quân đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa, có người mới làm lễ xuất đội được 2 ngày, có người đang mang thai. Họ là: Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Trần Thị Tuyết (sinh năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948), Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950, Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944), Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942), Đặng Thị Chung (sinh năm 1944).

Câu chuyện về 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ xảy ra trước chuyện 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc và 12 nữ liệt sĩ Truông Bồn nhưng phải đến 50 năm sau, lớp màn lịch sử về họ mới thực sự được mở ra.

Phục dựng lại câu chuyện lịch sử

Những vì sao không tắt là tên vở Chèo của Đoàn Chèo Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam (Tác giả kịch bản: Lê Chí Trung - Tạ Tuấn Minh chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh, Đạo diễn: NSND Trịnh Thúy Mùi) được diễn mở màn cho Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 tại Hà Nam. Đây là lần đầu cuộc sống chiến đấu và hy sinh của 10 cô gái dân quân phòng không Lam Hạ được đưa lên sân khấu.

Cố tình khai thác những chi tiết đời thường, ở các khía cạnh dung dị và tự nhiên nhất, thậm chí tác giả xoáy đi xoáy lại những câu chuyện tình yêu giữa dân quân và bộ đội (dù lệnh trên quán triệt “cấm bộ đội và dân quân yêu nhau”) hay cả chuyện “ăn cơm trước kẻng” của cặp đôi Tâm và Ba. Chi tiết này được phóng tác dựa trên nguyên mẫu có thật về nữ dân quân Nguyễn Thị Oánh vốn là cô giáo, đã lập gia đình với anh bộ đội phòng không Lê Văn Chắc. Họ mới cưới, chưa kịp có con (có tài liệu ghi là chị Oánh đã mang thai). Ngày chị hy sinh, anh Chắc đã kịp về nhìn mặt vợ lần cuối và mai táng cho chị. Chưa đầy một năm sau ngày đau thương đó, anh Chắc cũng anh dũng ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở thôn Hòa Lạc.

Cái được nhất của vở diễn, chính là đã phục dựng được không khí khốc liệt của cuộc chiến chống ngoại xâm, tái hiện cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những thanh niên nam nữ, những người không tiếc máu xương để gìn giữ từng tấc đất quê nhà, những người trước khi ra trận vẫn cứng cỏi dặn dò người thân: “Mẹ ở nhà nhớ trú bom cẩn thận, các con đi chiến đấu, nhỡ có mệnh hệ gì xin mẹ đừng quá buồn đau”.

Xen kẽ giữa những cảnh khiến người ta rơi lệ, lại vẫn có những đoạn giảm xóc thú vị. Ví dụ, cảnh người mẹ của hai chị em Thu và Thi cứ thấy tiếng máy bay gầm rú là giương giọng lên chửi. Bà chửi những chiếc máy bay vô tri, chửi bọn xâm lược đến giày xéo nước tao, làm khổ con tao. Bà chửi có vần có điệu có lớp có lang khiến nhiều người lớn tuổi thích thú quay qua kể với nhau: giống như xưa bà tôi chửi mất gà: “Chỉ vì mất một con gà/ Rêu rao bà chửi suốt ba ngày liền/ Chỉ sang tứ phía láng giềng/ Réo từ nội ngoại tổ tiên mười đời”...

Nằm trong vùng văn hóa Bắc Bộ, khu vực đồng chiêm trũng Hà Nam cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian độc đáo, trong đó có nghệ thuật chửi. Nổi danh nhất trong văn học có lẽ là tràng chửi của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao - một niềm tự hào khác của Hà Nam: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại.

Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”.

Văn hóa chửi này không chỉ phổ biến trong dân gian, một người nho nhã như Nguyễn Khuyến, hẳn cũng được “kho báu dân gian” này thấm đẫm, để đến một phút xuất thần, cụ Tam Nguyên làng Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam cũng phải thốt lên: Khốn nạn thân ông/ Đéo mẹ cha nó.

Tuy rằng ngày nay “nghệ thuật chửi” đang mai một dần, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ở nơi này nơi khác nó đang được sân khấu hóa. Chỉ tiếc phần chửi của vở Chèo “Những vì sao không tắt” hơi dài, nó khiến cho người xem có cảm giác tác giả lạm dụng quá đà. Nếu tiết chế hơn và đừng cố tình lặp đi lặp lại, chắc chắn đây sẽ là một thứ gia vị thêm vào rất vừa vặn để câu chuyện về 10 nữ anh hùng Lam Hạ trở nên đời hơn, người hơn.

Tiết lộ từ những nhân chứng chiến tranh

Chuyện 10 cô gái Lam Hạ lên sân khấu ảnh 3
Chuyện tình bộ đội và dân quân trong vở Chèo Những vì sao không tắt.

Cô Trương Thị Nhàn - Nguyên Trung đội trưởng Trung đội chiến đấu pháo thủ năm xưa, “thủ trưởng” cũ của 10 cô gái Lam Hạ kể: “Thời gian đầu, chị em phân công luân phiên trực chiến, còn lại vẫn thường xuyên chăm lo công việc đồng áng và việc nhà. Nhiều người ra trận địa trực chiến mà quần áo, tay chân, đầu óc còn vương mùi bùn đất.

Mặt khác, việc học các chiến thuật súng pháo phòng không bắn máy bay là điều không dễ dàng với chị em phụ nữ. Nhưng cứ kiên trì từng tí một, học cách sử dụng súng, pháo như học thuộc lòng, cuối cùng cả đội không chỉ thuần thục một mà nhiều vị trí tác chiến trên mâm pháo phòng không 57 ly, 37 ly, súng máy phòng không 14,5 ly để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Câu chuyện về 10 liệt sĩ đến nay vẫn được kể ở Lam Hạ. Nó chi tiết và nhiều đau đớn hơn bất cứ phiên bản sáng tạo nào.

Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi là 2 chị em ruột, cách nhau 2 tuổi, cùng xung phong vào Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ. Sáng 1/10, khi đã bước chân lên thuyền ra trận địa pháo vẫn còn được mẹ đưa cho mỗi người một bắp ngô ăn cho đỡ đói. Sau đó, chị Thu hy sinh ngay tại trận địa. Chị Thi bị mảnh bom phạt vào bụng và chân. Khi bác sĩ chuẩn bị làm phẫu thuật, chị Thi nói rằng hãy để thuốc mê dành cho thương binh khác, rồi lặng lẽ ra đi.

Chị Đinh Thị Tâm, “hoa khôi” của đội, đang làm việc trong xưởng may, khi máy bay đến bắn phá, chị đề nghị bố đẻ vào làm thay để mình ra trận địa trực chiến. Chị Tâm hy sinh trong tư thế tay đang cầm đạn pháo, mái tóc dài xõa tung, cuốn vào thân pháo.

Chị Nguyễn Thị Thuận bị thương nặng ở chân, biết không thể sống nổi, vẫn nghiến răng giấu sự đau đớn của mình để mẹ đỡ buồn. Chị nói với mẹ: “Nếu chân con bị cưa mất, ngày khỏe lại sẽ đi bán hàng cho hợp tác xã”.

Ở vùng đất Lam Hạ bây giờ, 10 cô gái anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là “10 bông hoa thép” bất tử trong lòng người dân. Trận địa phòng không nơi họ hy sinh đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ đã được xây dựng và một phong trào sáng tác văn học nghệ thuật về các liệt nữ được phát động.