Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
ĐBQH Lê Thanh Vân - Cà Mau |
Xây dựng luật là tiêu chí để đánh giá cán bộ
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), việc thay đổi thường xuyên Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
“Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình pháp luật chẳng khác gì người điều khiển xe ô tô thường xuyên đỗ lại để sửa, khiến giao thông không thông suốt”, ông Vân nói, đồng thời cho rằng cách làm này thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn không xa.
Do đó, ông Vân đề nghị duy trì kỷ cương xây dựng pháp luật, hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế các quy phạm chính trị trong các văn bản pháp luật. Đặc biệt, ông đề nghị khi thành lập Ban soạn thảo xây dựng luật nên hạn chế thành viên trong các đơn vị chủ trì đề xuất, để mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn và đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật tham gia.
Ngoài ra, ĐBQH Đoàn Cà Mau cũng đề nghị Quốc hội nên coi tiêu chí xây dựng pháp luật, thể chế để đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đồng thời, xác định trách nhiệm của những người khởi xướng xây dựng thể chế.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) |
Địa phương hỏi, Bộ trả lời chung chung
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thì nêu thực trạng hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn; một số quy định tính khả thi không cao nên phải sửa đổi nhiều lần. Nhiều văn bản pháp luật còn mang tính nguyên tắc chung, chưa áp dụng được ngay nên phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.
Điều này khiến việc thực thi pháp luật gặp khó khăn do nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau. “Trước thực trạng này, các địa phương phải ra văn bản hỏi bộ, ngành để được hướng dẫn, tuy nhiên bộ, ngành lại trả lời: đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, rất khó”, ông Huy nói.
ĐBQH Đoàn Thái Bình cũng nêu lại nhận xét trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về tình trạng, cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau; ví dụ như vấn đề đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, ông Huy kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giải thích pháp luật, bảo đảm các quy định các quy định của pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
Tại tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung vào Chương trình năm 2023 các dự án luật, dự thảo nghị quyết để thông qua tại kỳ họp thứ 5, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5).
Đối với dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận đạt sự đồng thuận cao, sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6.