Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thành, bại bắt đầu từ giáo viên

GV chính là nhân tố quyết định thành công của việc đổi mới CT-SGK. Ảnh: Nghiêm Huê.
GV chính là nhân tố quyết định thành công của việc đổi mới CT-SGK. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Một trong ba trụ cộtđể  đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thành công là đội ngũ giáo viên. Kinh nghiệm cho thấy, những lần đổi mới vừa qua chưa thành công phần lớn do yếu tố giáo viên. Bài học này phải được quán triệt trong lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2018. 

Khái niệm tích hợp liên môn đã được nhắc đến cách đây vài năm, không phải là khái niệm hoàn toàn  mới. Trong công văn 4099 mà Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT ban hành ngày 5/8/2014 đã nói đến khái niệm này.

Đó là yêu cầu đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. Quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (Science - Technology - Engineering – Mathematic: STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan.

Thế nhưng, trong một nghiên cứu của bà Dương Thị Thu Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì với nhiều nhà giáo dục Việt Nam, STEM vẫn là một khái niệm rất mới. Cuộc khảo sát của bà Hương được triển khai tại 8 trường học thì hầu hết GV đều chưa từng nghe nói hoặc tìm hiểu về giáo dục STEM, chiếm 53.8%.  

Trong khi đó, thực tế, các trường được đưa vào khảo sát đều là trường đang dạy học theo mô hình trường học mới VNEN. Hướng dẫn học tập trong chương trình THCS của mô hình VNEN đã có sự tích hợp 3 môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học vào duy nhất một tài liệu.

Trong báo cáo, bà Hương khẳng định STEM là một khái niệm mới đối với phần lớn GV ở các tỉnh được khảo sát. Tuy nhiên nếu xét về bản chất thì STEM không hề mới. Vì thực tế, dạy học theo hướng tích hợp đã được triển khai và nghiên cứu từ rất nhiều năm trước đó ở Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, năm 2013, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn 791 hướng dẫn về thí điểm phát triển chương trình (CT) giáo dục nhà trường  phổ thông (gọi tắt là CT nhà trường).

Trong hướng dẫn này, Bộ cho phép các trường  điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong CT hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục và của nhà trường.

Tôi sợ nhất là tập huấn cho các giáo viên đến từ trường công lập top trên, các thầy cô đến từ trường chuyên và các thầy cô nổi tiếng. Trong đầu họ luôn luôn quan niệm không cần đổi mới thì trường tôi vẫn tốt rồi 

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM

Rà soát nội dung CT, SGK hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp;  Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong CT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh thành những bài học mới, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục và bổ sung các hoạt động giáo dục khác vào CT hiện hành; Xây dựng các chủ đề liên môn...

Thế nhưng, dù dư luận xã hội kêu chương trình giáo dục phổ thông quá tải, kêu chương trình lạc hậu nhưng các trường vẫn không mặn mà với việc thực hiện theo văn bản 791 để phù hợp với yêu cầu phát triển. Bằng chứng là cho đến nay số lượng trường tinh giản CT chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TPHCM con số cũng không khả thi hơn. Cụ thể, trong số hơn 200 trường THPT của TPHCM thì mới chỉ có 19 trường thực hiện tinh giản. Còn tại Hà Nội, số trường tinh giản ít hơn nhiều.

Sợ đổi mới

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM là một trong những giáo viên đi đầu trong đổi mới dạy học trải nghiệm sáng tạo. Cô cho biết mỗi lần đi tập huấn cho giáo viên của Sở GD&ĐT TPHCM, điều cô sợ nhất là tập huấn cho các giáo viên đến từ trường công lập top trên, các thầy cô đến từ trường chuyên và các thầy cô nổi tiếng. 

Trong đầu họ luôn luôn quan niệm: “Tôi không cần đổi mới thì trường tôi vẫn tốt rồi”. Câu chất vấn  của họ luôn là: “Sao tôi phải học dự án. Tôi không cần học dự án mà học sinh trường tôi điểm thi ĐH vẫn cao...”- cô Ngọc nêu thực tế.

Nhưng theo cô Ngọc, bên cạnh đó, có một lực lượng giáo viên trẻ, họ rất khát khao đổi mới. Tuy nhiên, họ lại gặp lực cản từ chính hiệu trưởng của mình. Có thầy cô tự bỏ tiền ra làm dự án cho học sinh nhưng hiệu trưởng vẫn không cho phép.

Đứng ở góc độ quản lý, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng điều kiện tiên quyết nhất để thực hiện đổi mới giáo dục thành công chính là đội ngũ GV. Giáo dục rất cần những người GV tâm huyết. Nhưng bên cạnh đó phải có chính sách đối với họ.  

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên CT môn Toán cũng khẳng định đội ngũ GV giữ vai trò quan trọng đối với việc đổi mới CT giáo dục phổ thông.

“GV cần có môi trường làm việc tốt, cần có sự đãi ngộ và luôn có sự tiếp lửa của những người quản lý để thêm nhiệt huyết”.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.