Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông nói: “Tất cả những điều tôi nói ra đều xuất phát từ trách nhiệm của một công bộc, “ăn lương dân nuôi phải lo việc nước”, đơn giản, thường tình vậy thôi. Việc đưa quan điểm như vậy chỉ nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phải đạt đồng thuận chung về những nguyên tắc cơ bản, không nhượng bộ trong việc thực hiện các dự án BOT. Đó là công khai, minh bạch và đấu thầu cạnh tranh.
Các cơ quan chức năng phải thống nhất, nhìn nhận là cách làm BOT hiện nay là không ổn. Nếu không thống nhất và nhìn nhận như vậy thì không hy vọng sẽ rút ra được bài học sâu sắc, nghiêm túc, để từ đó ngồi lại cùng nhau bàn thảo và đề ra được những giải pháp thực hiện một cách tốt hơn.
Ngoài ra, tôi có nói với báo chí rằng “BOT nếu làm đúng, tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng các chuẩn mực thì rất tốt, rất hiệu quả; bằng không, làm ngược lại sẽ tiềm ẩn rủi ro tham nhũng rất lớn…”. Song đây không phải là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi. Đây là cảnh báo của các nhà kinh tế, các nhà quản lý trên thế giới khi nghiên cứu về đầu tư theo hình thức BOT. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi nói lên điều này mà từ năm 2012, tôi đã nói về cảnh báo đúng như trên.
Qua đó có thể thấy, một vài ý kiến suy diễn rằng việc đưa ra quan điểm như vậy vào lúc này là “đổ dầu vào lửa”, là đánh bóng cá nhân vào lúc “xế chiều”, xem ra có vẻ không công bằng và sòng phẳng. Liệu đó có phải là chủ ý nhằm nhập nhèm đánh lận con đen, xóa nhòa sai đúng? Trong thời đại thông tin ngày nay, dân ta thừa hiểu biết và trí tuệ để biết đâu là đúng, cái gì là sai.
Tôi cũng không phải là người duy nhất chỉ ra điều bất cập này. Đồng chí Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT từ năm 2012 cũng đã cảnh báo với lãnh đạo nhà nước là cách làm BOT (lúc đó) là rất không ổn”.
Không thể đổ lỗi hết cho khách quan
Ông có thể nói rõ hơn cách làm BOT hiện nay bất ổn ở những điểm nào?
Để khách quan, xin mọi người hay đọc kỹ những kết luận về sai phạm, yếu kém, bất cập tại các dự án BOT thời gian qua mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra; rõ ràng là không ổn, không chấp nhận được. Bây giờ cố gò, đổ lỗi cả cho khách quan thì không hy vọng thay đổi được tình hình.
Đáng nói nữa là, những kết luận đó phần nào thỏa lòng dân vì những gì dư luận lên tiếng bấy lâu về BOT được chứng minh là có cơ sở, nhiều phần đúng cả. Dân thấy không chấp nhận, cơ quan thanh tra, kiểm toán thấy sai phạm, mà các cơ quan quản lý liên quan lại một mực nói rằng đúng quy trình, đúng trình tự thủ tục thì có gì đó rất không ổn.
Nhưng nhiều ý kiến nói rằng, những bất cập của BOT có trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, vì Bộ là đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các quy định về PPP (đối tác công - tư)?
Khi đưa ra những nhận định trên, tôi không hàm ý là lỗi tại ai, cơ quan nào. Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm về những sai phạm, bất cập đều đã được chỉ rõ trong các kết luận của thanh tra, kiểm toán. Tôi nói ra trong bối cảnh tọa đàm về chi phí bất hợp lý mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, trong đó có vấn đề chi phí vận tải, mà trực tiếp là mức phí đường BOT. Tất cả góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Đối với Bộ KH&ĐT, trước đây, chúng tôi cũng từng kiến nghị nhiều giải pháp nhưng đã bị “bác”, bị phủ nhận. Chúng tôi thấy rằng, những điều chúng tôi cảnh báo trước đây thì bây giờ đã xảy ra trong thực tế. Chúng tôi cũng từng phản đối những hợp đồng BOT mà trong đó quy định Nhà nước chịu cả những rủi ro bất khả kháng.
Khi nói ra những điều bất đắc dĩ đó, mong muốn của tôi là, bây giờ vấn đề đã xảy ra rồi thì các cơ quan nhà nước phải ngồi lại với nhau, bàn bạc, mổ xẻ, làm rõ thực trạng và đề ra giải pháp để không lặp lại những sai lầm, bất cập đó nữa.
Nhận rõ bất cập để thay đổi cách làm
Theo ông, cần phải có những giải pháp gì để khắc phục được những bất cập mà vẫn thu hút được nguồn lực xã hội tham gia vào làm BOT?
Nếu thực sự muốn thay đổi thì trước hết chúng ta phải thống nhất nhìn nhận là cách làm BOT hiện nay là không ổn. Nếu không thống nhất được điều đó thì khó mà rút ra được bài học và đề ra được những giải pháp thực hiện một cách tốt hơn. Chính vì thế, tôi cho rằng, bây giờ các bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc để nhìn nhận, đánh giá lại về cách thức thực hiện BOT.
Về giải pháp, quan điểm của tôi là phải làm một - hai dự án mẫu, theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế nếu muốn thu hút tiền từ quốc tế. Những năm 2009-2010, chúng tôi chỉ xin các bộ, ngành đưa ra một - hai dự án để làm thí điểm theo hình thức BOT, đúng chuẩn mực, bài bản theo thông lệ quốc tế, từ đó đúc kết kinh nghiệm, hoàn thiện cơ sở pháp lý và nhân rộng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, chúng tôi không thực hiện được vì dự án nào các bộ cũng nói đã có chủ đầu tư cả rồi, mà toàn là chỉ định thầu.
Với tôi, nếu chỉ hùa theo nói về những hạn chế, bất cập thì chưa đủ và không cần thiết vì nhiều người cùng thấy, cùng nói cả rồi. Tôi chỉ nói khi chắc chắn có giải pháp đưa ra. Cái khó là thuyết phục sự đồng thuận. Nếu chỉ thuần túy có lợi ích quốc gia, ai ai cũng đồng lòng như vậy thì đồng thuận không khó. Song, cuộc sống phức tạp hơn nhiều, khi mà lợi ích đan xen, co kéo, giằng xé lòng người, đồng thuận là một thách thức sừng sững như núi Thái Sơn.
Cảm ơn ông.