Tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã ôn lại truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của giai cấp công nhân vùng Mỏ trong suốt gần 80 năm qua. Đồng thời thông báo những thành tựu mà Tập đoàn đã đạt được.
Đồng chí nhấn mạnh: “Kế tục truyền thống của các lớp thợ mỏ cha anh, trong muôn vàn khó khăn thách thức của nền kinh tế thị trường, của những biến động khó lường của thiên nhiên và thời tiết, thợ mỏ đã bình tĩnh, tự tin vượt qua. Đặc biệt là trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại Quảng Ninh làm Tập đoàn thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự nỗ lực cao của trên 12 vạn thợ mỏ và sự đồng lòng của nhân dân địa phương, các hoạt động sản xuất của Tập đoàn đã trở lại bình thường. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm của Tập đoàn đã và đang đi vào hoạt động mang lại nguồn doanh thu cho Tập đoàn như: Dự án bauxite Tân Rai, Dự án Amon Nitrat, Gang thép Cao Bằng v.v. Nhiều dự án than, nhiệt điện cũng đang được tích cực triển khai...”. Thay mặt cán bộ công nhân viên Tập đoàn, đồng chí Lê Minh Chuẩn cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên các Ban Tập đoàn đã luôn cổ vũ, động viên, tham gia góp ý để công tác lãnh đạo điều hành của Tập đoàn đạt được nhiều thành công.
Cũng tại buổi gặp mặt này, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí TKV về Truyền thống của Thợ mỏ xưa và nay.
Ông Nguyễn Viết Hoè, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty than Việt Nam: Tôi tin thợ mỏ sẽ vươn cao hơn!
Trước những năm 1936, thợ mỏ gọi là phu mỏ. Cuộc sống lầm than thì ai cũng biết. Sau khi giải phóng khu mỏ, thợ mỏ vất vả vì công nghệ lạc hậu, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, làm theo kế hoạch, thu nhập thấp. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng như hiện nay, thợ mỏ gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt. Cạnh tranh về giá, cạnh tranh về lao động, thậm chí là công nghệ... Mỗi thời đều có khó khăn, thách thức riêng. Tuy nhiên, thợ mỏ vốn được tôi luyện, trưởng thành trong khó khăn nên dễ dàng vượt qua thách thức. Đây là đặc tính cao nhất của thợ mỏ. Do vậy, tôi tin với truyền thống đó, thợ mỏ hôm nay sẽ vươn lên cao hơn, hội nhập sâu hơn, phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Văn Long, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn: Thợ mỏ ngày nay tiến bộ rất nhiều!
Nói về truyền thống giai cấp công nhân Vùng mỏ, có thể khái quát hai điểm đáng quý nhất mà nó đã trở thành một thực tế sinh động mà tôi từng chứng kiến. Thứ nhất, trong muôn vàn khó khăn, thợ mỏ chụm lại khắc phục và không nề hà. Thời tôi còn công tác, tôi nhớ nhất là mỗi khi xảy ra sự cố thì không cần mệnh lệnh nào mà tất cả lãnh đạo các đơn vị đều có mặt, họ làm tất cả để phối hợp cùng với đơn vị xảy ra sự cố khắc phục nhanh nhất. Thậm chí, khi những thiệt hại gây ra, thợ mỏ tự lập ra các quỹ để giúp đỡ nhau... Thứ hai, thợ mỏ luôn có tinh thần cần cù và tính sáng tạo cao. Trong sản xuất, khó họ cũng làm được, nhất là trong giai đoạn công nghệ còn lạc hậu. Khi đó, thợ mỏ chủ yếu lao động thủ công, vất vả nhưng luôn hoàn thành kế hoạch. Và cũng từ đó, thợ mỏ đã sáng tạo, khắc phục vươn lên, dần đưa năng suất lao động lên cao, giảm sức lao động thủ công và đảm bảo an toàn. Giờ đây thì công nghệ hiện đại đã được áp dụng tại hầu hết các mỏ than cả về công nghệ khấu than, chống lò, thông gió, thoát nước cho đến công nghệ thông tin v.v. Năng suất lao động đã tăng gấp 7-8 lần trước đây. Do vậy, có thể nói, thợ mỏ thế hệ ngày nay tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi rất vui vì điều đó.
Ths. Trần Miên, nguyên Trưởng Ban Môi trường TKV: Truyền thống của thợ mỏ xưa và nay vẫn vậy! Thợ mỏ trước đây cũng như thợ mỏ ngày nay nói chung đều phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Chính điều đó đã rèn luyện cho thợ mỏ có một ý chí và nghị lực mạnh mẽ vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên. Thời kỳ còn chưa được tự do, thợ mỏ đã phải chịu đựng sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Họ phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, có thể nói là cơ cực.
Thời kỳ đổi mới, thợ mỏ cũng đi lên trong vô vàn gian khó. Từ công nghệ lạc hậu, thợ mỏ dần vươn lên, đưa công nghệ hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn. Nhưng dường như tất cả họ đều vượt qua một cách đầy tự tin. Trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua là một ví dụ. Bị thiệt hại nặng nề nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, vùng Mỏ đã hoạt động trở lại bình thường. Đây chính là truyền thống quý báu nhất của thợ mỏ.
Trong công tác môi trường, vừa sản xuất, thợ mỏ vừa cải tạo và tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường mang tính cơ bản. Trong lò, các đường lò rộng rãi hơn, thông gió, thoát nước tốt hơn. Ngoài lò, hầu hết các mỏ đã có hệ thống xử lý nước thải. Các bãi thải đất đá đã được hoàn nguyên đảm bảo an toàn...Do vậy, cho đến nay có thể nói thợ mỏ đã sướng hơn nhiều so với các lớp thợ mỏ cha anh. Nhưng truyền thống thì vẫn vậy. Thợ mỏ vẫn luôn thể hiện ý chí tự lực, tự cường, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn...
TS.Lê Văn Thao, nguyên Trưởng Ban Thông gió Thoát nước TKV: ĐAM MÊ Ở LẠI! Từ khi ra trường và đi vào con đường làm kỹ thuật mỏ, tôi hiểu rằng thợ mỏ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, đường lò chật hẹp, đi lại khó khăn, thiếu không khí, ánh sáng... Do vậy, sau này trở thành người làm khoa học, và được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực thông gió thoát nước, tôi luôn tâm niệm và nỗ lực cao nhất để cùng với thợ mỏ các đơn vị hoàn thành nhiều công trình thông gió, thoát nước mỏ được đảm bảo an toàn.
Trong lĩnh vực này, ngày nay khi khai thác mỏ xuống sâu, công tác thông gió, thoát nước sẽ càng khó khăn hơn. Và hiện nay, với niềm đam mê nghề nghiệp, tôi vẫn đi làm chuyên gia cho các Công ty và một số trường Đại học, Cao đẳng về Ngành.
Hàng ngày, tôi vẫn mang nhiệt huyết nghề nghiệp và bằng những kinh nghiệm, kiến thức đúc rút được trong suốt mấy chục năm công tác, hướng dẫn, gúp đỡ cho các kỹ sư trẻ, tham mưu cho ban lãnh đạo Công ty có giải pháp thông gió, thoát nước tối ưu nhất, đảm bảo cho thợ mỏ được làm việc trong môi trường tốt hơn.
Thợ mỏ trước đây vất vả do điều kiện khai thác khó khăn và họ thường cam chịu hơn. Ngày nay thì điều kiện đã khác hẳn do ứng dụng được tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên bây giờ diễn ra sự cạnh tranh về lao động giữa nhiều ngành nghề mạnh mẽ hơn, thợ mỏ mặc dù vẫn giữ cho mình những nét truyền thống nhưng cũng có nhiều lựa chọn hơn, nên các nhà quản lý phải có nhiều giải pháp để theo kịp tiến trình đó.