TKV tiếp tục có nhiều chế độ ưu tiên đối với người lao động

TKV tiếp tục có nhiều chế độ ưu tiên đối với người lao động
Năm nay, Hội nghị người lao động Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lần đầu tiên tổ chức sẽ bàn thảo sâu tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động nhằm đưa ra các giải pháp đột phá để thu hút lao động, nhất là đối với nghề khai thác mỏ hầm lò. 

Trước thềm Hội nghị, phóng viên Tạp chí Than Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Cừ, Trưởng Ban Lao động Tiền lương Tập đoàn xung quanh vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.


Trước hết xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn của Tạp chí Than Khoáng sản Việt Nam. Thưa ông, vấn đề được Hội nghị người lao động Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 quan tâm hiện nay là tháo gỡ những khó khăn, thách thức từ các đơn vị để ổn định phát triển bền vững, trong đó có vấn đề về thu hút thợ lò. Là tham mưu đầu ngành về công tác này, ông có thể khái quát bức tranh về lao động thợ lò hiện nay?

Ông Trần Văn Cừ: Do đặc thù nghề nghiệp của ngành khai thác mỏ phải làm việc trong môi trường đặc biệt nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn rủi ro, sức thu hút nghề nghiệp không cao, nguồn cung lao động thấp hơn cầu nhất là đối với thợ mỏ hầm lò, do đó công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, HĐTV, Tổng giám đốc và Công đoàn Tập đoàn quan tâm chăm lo nhằm củng cố, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
 
Tuy nhiên, mặc dù Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp quan tâm về tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, song tỷ lệ thợ lò bỏ việc, thôi việc bình quân chung toàn TKV vẫn ở mức cao là 81,2% số tuyển mới. Tỷ lệ này, năm 2014 tuy có giảm so với 2013 (năm 2013 là 86%) nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Thợ lò bỏ việc chỉ tập trung ở một số đơn vị có điều kiện sản xuất không thuận lợi như: Uông Bí, Hạ Long (số ra nhiều hơn số vào); Một số đơn vị sau khi triển khai các giải pháp tích cực như Khe Chàm (áp dụng thí điểm chế độ bổ sung lương theo thâm niên); Quang Hanh (thí điểm áp dụng chế độ nghỉ 5 ngày/tháng) cùng với chính sách tăng lương của TKV (trong 6 tháng đầu năm năm 2014 tăng 5%; 6 tháng cuối năm tăng 10%, từ quý IV/2014 thí điểm áp dụng cơ chế trả lương mới cho thợ lò) đã giữ chân và thu hút được thợ lò quay trở lại làm việc nên các đơn vị này có tỷ lệ giảm thấp như: Nam Mẫu: 56,2%; Mông Dương: 56,2%; Vàng Danh: 45,3%; Khe Chàm, Mạo Khê, Quang Hanh:70%.
 
Đặc biệt theo số liệu thống kê trong 6 tháng cuối năm 2014, tỷ lệ bỏ việc giảm thấp hơn 6 tháng đầu năm, nhất là số thợ lò bỏ việc các năm trước đã tự nguyện quay trở lại làm việc góp phần làm giảm sức ép cho công tác tuyển sinh.
 
Vâng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cũng từ những sự quan tâm tích cực và kịp thời trong chỉ đạo của Tập đoàn cũng như các đơn vị đến đội ngũ thợ lò nên công tác tuyển dụng cũng đã được cải thiện. Vậy cụ thể về các cơ chế, chính sách đã áp dụng là gì thưa ông?
 
Ông Trần Văn Cừ: Về tiền lương bình quân năm 2014 toàn Tập đoàn đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,5% so với năm 2013. Riêng tiền lương bình quân thợ lò đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2013 (cá biệt có đơn vị đã đạt từ 15-17 triệu đồng như: Vàng Danh, Hầm lò II, Khe Chàm, Mông Dương).
 
Tập đoàn đã ban hành quy định các đơn vị được sử dụng 8% trong tổng quỹ tiền lương để khuyến khích tiền lương cho người lao động làm việc đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo ngày công cao đối với thợ lò, bổ sung tiền lương cho người lao động nhân các dịp ngày lễ, tết, ngày truyền thống ngành Than. Dịp Tết nguyên đán 2015, các đơn vị sản xuất than đã bổ sung tiền lương cho người lao động mức từ 5 triệu đồng/người trở lên, một số đơn vị cân đối quỹ lương để phân phối lại tháng lương 13. Cơ chế này đã tạo ra không khí phấn khởi trong lao động sản xuất, làm cho người lao động yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp. 
 
Về thực hiện các chế độ đối với người lao động, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, không được phép không thực hiện hay cắt giảm, cụ thể như: Đối với chế độ ăn định lượng, mặc dù việc cân đối chi phí còn khó khăn nhưng TKV vẫn tính toán chi phí giao khoán cho các đơn vị một cách hợp lý. Thợ lò, thợ cơ điện lò làm việc ở mức -100m trở lên được hưởng chế độ ăn định lượng mức 65.000 đồng/công; dưới -100m mức ăn định lượng 100.000 đồng/công và hoàn toàn do doanh nghiệp chi trả, người lao động không phải đóng góp. Đối với chế độ trợ cấp thôi việc, mặc dù còn có bất cập trong việc chi trả trợ cấp thôi việc (các đơn vị phải chi trả từ 2-5 tỷ đồng/năm) nhưng các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Luật lao động 2012. Các chế độ BHXH, BHYT, TNLĐ, Bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đều được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đóng nộp đầy đủ và giải quyết kịp thời (không nợ đọng). Ngoài ra, các chế độ ưu đãi riêng của TKV đối với người lao động cũng được triển khai thực hiện thành nề nếp từ nhiều năm nay như, chăm lo về nơi ăn chốn ở, đi lại, trợ cấp khó khăn, tổ chức tốt đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động v.v.
 
Theo ông, về phía chủ quan của các đơn vị sản xuất kinh doanh, vấn đề thu hút nguồn nhân lực có gì bất cập? 
 
Ông Trần Văn Cừ: Có thể nói, ở một số đơn vị vẫn còn một số tồn tại trong công tác này, như điều kiện làm việc trong hầm lò chậm được cải thiện, vẫn để tình trạng gửi lương người lao động, lao động dư thừa nên tiền lương còn thấp, văn hóa ứng xử của một số cán bộ chỉ huy sản xuất với người lao động có nơi, có lúc còn chưa phù hợp. 
 
Ngoài ra, một số đơn vị còn khá cứng nhắc trong việc trả lương giãn cách giữa các chức danh ngành nghề, chưa nghiên cứu kỹ quy định của Nhà nước và của Tập đoàn, hoặc biết nhưng vẫn e ngại khi thực hiện cơ chế trả lương thỏa đáng đối với người lao động có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và đóng góp nhiều cho đơn vị nên đã để xảy ra tình trạng người lao động có tay nghề cao bỏ việc, như thợ sửa chữa cơ máy mỏ ở các mỏ lộ thiên, kỹ sư vận hành ở các nhà máy điện, nhà máy hóa chất…
 
Vậy các giải pháp về chế độ chính sách trong công tác thu hút thợ lò sẽ được Hội nghị người lao động năm nay bàn thảo là gì, thưa ông?
 
Ông Trần Văn Cừ: Có 6 nội dung chính sẽ được Hội nghị người lao động Công ty mẹ Tập đoàn 2015 bàn kỹ theo hướng tiếp tục có nhiều chế độ ưu tiên cho người lao động, nhất là thợ lò như:
 
Thứ nhất, về tiền lương bình quân toàn Tập đoàn 2015 phấn đấu đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó khối sản xuất than đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng. Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương cho người lao động làm việc trong hầm lò. Các ngành nghề còn lại tiền lương gắn với tốc độ tăng NSLĐ. Giảm lao động quản lý và phục vụ để đảm bảo có nguồn tăng lương cho người lao động.    
 
Thứ hai, tiếp tục đề nghị Nhà nước áp dụng chế độ thưởng an toàn hầm lò đối với người lao động làm việc trong hầm lò để giảm thiểu việc người thợ chạy theo sức ép sản lượng, tiền lương mà bỏ qua các quy trình, quy phạm, đồng thời là biện pháp tăng thu nhập cho thợ lò (Tập đoàn đã có tờ trình đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ cuối năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết). Đồng thời triển khai cơ chế trả lương gắn với công tác an toàn lao động.
 
Thứ ba, về chế độ phụ cấp thâm niên, để thu hút thợ lò làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, TKV sẽ thí điểm thực hiện mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho thợ lò ở một số đơn vị, sau đó sẽ triển khai nhân rộng. Theo đó, nếu thợ lò làm việc cho doanh nghiệp cho đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định hoặc theo số thâm niên mà doanh nghiệp yêu cầu (ví dụ 10, 15, 20 năm), ngoài tiền lương hưu hàng tháng sẽ được hưởng khoản bảo hiểm hưu trí (lĩnh một lần) có giá trị rất lớn. Nếu không làm việc đủ thâm niên theo điều khoản bảo hiểm, thì không được hưởng khoản tiền này. Cơ chế này thay cho chế độ phụ cấp thâm niên.
 
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi nghề nghiệp như chính sách đổi mới cơ cấu lao động, đổi mới chính sách điều dưỡng phục hồi chức năng (theo hướng kết hợp nghỉ điều dưỡng với thăm quan, nghỉ mát có sự tham gia của gia đình), tăng số lượng, đối tượng được đi rửa phổi (theo hướng nghiên cứu bổ sung đối tượng có thâm niên tiếp xúc với môi trường độc hại).
 
Thứ năm, duy trì các chế độ phúc lợi ưu đãi đối với người lao động làm việc trong hầm lò và thực hiện an sinh xã hội trong nội bộ Tập đoàn như hiện nay.
 
Và thứ 6 là, trong năm 2015 hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức lao động trên cơ sở giao khoán chỉ tiêu tiết giảm lao động, tỷ trọng lao động quản lý và phục vụ cho từng đơn vị trong Tập đoàn.
 
Xin cảm ơn ông!

Theo Theo Vinacomin.vn
MỚI - NÓNG