“Chúng tôi đã sai...”

“Chúng tôi đã sai...”
TP - Liên quan loạt bài phản ánh trên báo Tiền Phong về vụ việc Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam phá hàng trăm héc ta rừng để trồng cao su, ngày 4-11, làm việc với PV tại Văn phòng báo Tiền Phong ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Cty thừa nhận: “Chúng tôi đã sai”.

> “Tôi ký chủ trương không có nghĩa cho họ phá rừng”

Theo trình bày của ông Nguyễn Duy Phúc, đầu tháng 8-2009, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trương thỏa thuận địa điểm để Cty trồng cao su tại huyện Nông Sơn với tổng diện tích là 1.310 ha tại hai xã Phước Ninh và Quế Lâm.

Sau khi làm các thủ tục đo đạc xác định, lập bản đồ địa chính đất trồng rừng, đến cuối tháng 9-2008, Cty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng 995 ha cao su tại Nông Sơn, trong đó có 635 ha rừng trồng của người dân.

“Đúng là chúng tôi chưa hoàn thành thủ tục, chưa được chính quyền chứng nhận cho thuê đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ban đầu) mà đã vội vã trồng hơn 600ha cao su là sai. Với tư cách giám đốc Cty, tôi xin nhận khuyết điểm trước những vấn đề báo nêu và xin nhận khuyết điểm trước UBND tỉnh Quảng Nam” - ông Nguyễn Duy Phúc khẳng định.

Mặc dù thừa nhận sai nhưng ông Phúc cho rằng, có nhiều vấn đề khiến Cty khó có thể hoàn thành thủ tục như yêu cầu. Như khi hoàn tất xong việc đo đạc và thẩm tra của lãnh đạo xã và Phòng TN&MT huyện thì gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, có công trình đường dây điện kéo vào thôn Cấm La và dự án đường Đông Trường Sơn đi qua vườn cao su, nên toàn bộ khâu đo đạc bị phá vỡ. Vậy nên việc đo đạc phải tiến hành lại trên toàn bộ lô thửa dẫn đến việc làm thủ tục thuê đất bị chậm trễ.

Cuối năm 2009, khi người dân địa phương đã khai thác xong toàn bộ diện tích keo lá tràm do đó Cty đã xin phép UBND tỉnh cho trồng cao su ngay, tránh đất rừng bị bỏ hoang, xói mòn, đồng thời giúp dân có được công ăn việc làm chứ không thể chờ hoàn thành xong thủ tục.

Không phá rừng (?)

Theo ông Nguyễn Duy Phúc, ngay khi báo Tiền Phong phản ánh bằng loạt bài “Quy hoạch trồng cao su ở Nông Sơn – Cơ bản phá xong rừng”, ông đã chỉ đạo dừng ngay mọi động thái trồng cao su tiếp theo ở Nông Sơn rà soát lại mọi khâu, chờ chỉ đạo của tỉnh sau đó mới tiếp tục làm.

“Chúng tôi không phá rừng” - ông Phúc nói. Toàn bộ 1.310 ha được quy hoạch, trong đó 635 ha đã được trồng đều là đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập tới 54 ha là rừng cây dầu rái nguyên sinh của người dân ngay trong 152 ha đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho thuê đất.

Theo ông Phúc, đúng là trong quá trình thực hiện đã đụng đến phần diện tích này. Nhưng sau đó, dân phản ứng dữ dội Cty đã dừng thực hiện dự án ở phần 54 ha rừng nguyên sinh, chờ chỉ đạo của tỉnh.

“Sau phản ánh của báo Tiền Phong, tôi xin hứa sau này sẽ quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của người dân địa phương, những người đã hy sinh phần đất rừng của mình trong bao nhiêu năm để cho Cty trồng cao su. Cty đã hợp đồng giao cho 262 hộ dân chăm sóc, trong đó ký hợp đồng dài hạn với 78 hộ, còn lại là hợp đồng thời vụ, hưởng ngày công chăm sóc”, ông Phúc hứa hẹn.

Chiều qua, ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, chậm nhất đến ngày 20-11 tới, đoàn kiểm tra của tỉnh sẽ có kết luận vụ việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.