Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn:

'Chúng tôi cũng thấy xót xa'

Cổng chính của Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị kẹt, lâu ngày không mở được. Ảnh: N.T.
Cổng chính của Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị kẹt, lâu ngày không mở được. Ảnh: N.T.
TP - Liên quan đến một số Trung tâm Hỗ trợ nông dân xuống cấp, sử dụng chưa hiệu quả, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, có những công trình chờ quyết toán 11 - 12 năm, chưa đưa vào sử dụng công trình đã hỏng nên rất xót xa.

"Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân rất nhiều. Hiện nay ở Thừa Thiên- Huế công trình chưa đưa vào hoạt động bởi vì đang trong giai đoạn kiểm toán giai đoạn 1. Ở Phú Yên cũng thế. Công trình phê duyệt xây dựng từ năm 2005 mà đến 2015 mới hết giai đoạn 1. Hết 30 tỷ đồng. Khi tôi ở một đơn vị khác thì có phê duyệt đất cát xong xuôi, 10 năm sau tôi quay lại thì công trình còn chưa xong. Đến nay còn chưa phê duyệt xong quyết toán”, bà Hương nói.

Vừa làm giám đốc vừa làm bảo vệ

Hiện Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Phú Yên có tổ chức hoạt động hỗ trợ không, thưa bà?

Cái đó thì vẫn có thường xuyên. Nhưng chưa đưa vào quy chế hoạt động được bởi vì chưa xong. Diện tích ở đó là 4,1 ha, nhưng hiện nay mới làm được 1 cụm. Những công trình xây dựng để hỗ trợ trưng bày sản phẩm, sinh hoạt khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật… chưa có.

Tổ chức hoạt động hỗ trợ cụ thể như thế nào bà có nắm được không?

Chủ yếu là các lớp tập huấn, xong rồi các vùng miền về học tập, giao lưu thôi. Thực ra chúng tôi muốn trong phần chức năng có cả hỗ trợ cho bà con hàng năm về đây để nghỉ dưỡng vì bà con cũng giống như công nhân. Giống như bên Tổng liên đoàn lao động công nhân được nghỉ dưỡng, nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày cũng phải được nghỉ dưỡng.

Nếu thế thì tiêu chí nào để chọn người được về Trung tâm nghỉ dưỡng, thưa bà?

Chúng tôi xây dựng tiêu chí là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đầu tiên ưu tiên những người có ý thức xây dựng sản xuất kinh doanh giỏi. Hai là các nhóm hộ chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa các vùng miền với nhau thì cũng về đó có nơi ăn, nơi ở. Chứ chúng tôi chưa làm dịch vụ về chuyện cho thuê mướn phòng. Sau này khi có phê duyệt thì sẽ xây dựng quy chế hoạt động. Bên Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ đấy. Hiện nay là không làm.

Như vậy là hiện nay không cho thuê cơ sở vật chất  trong Trung tâm?

Bây giờ chỉ tổ chức các lớp tập huấn, hoặc Hội Nông dân các tỉnh nào có qua lại thì họ có nơi ăn ở thôi. Hiện cho thuê mướn để làm dịch vụ như hàng ăn, các thứ khác thì do chưa được phê duyệt nên chưa làm. Khi nào được phê duyệt thì sẽ trưng bày hẳn biển lên.

Nếu được  phê duyệt thì Trung tâm có dự định thế nào?

Bên Trung tâm với bên T.Ư Hội cũng rất muốn làm nhanh, xây dựng trong vài ba năm, cùng lắm 4 năm là phê duyệt xong. Như Phú Yên bây giờ là 11 năm, chưa đưa vào sử dụng công trình đã hỏng bởi vì nó giáp biển. Nói thật là được giao trách nhiệm chúng tôi cũng thấy xót. Nhưng mà Nhà nước cơ chế thế thì cũng chẳng ai tự nhiên bỏ tiền túi ra làm. Để đầu tư vào cho thuê, kinh doanh thì cũng có người “nhảy vào”, nhưng lại không đúng với chức năng của mình.

Để Trung tâm hoạt động trong một năm thì cần bao nhiêu tiền, thưa bà?

Hiện nay ở Phú Yên chỉ có 2 cán bộ. Còn ở Huế mới có một cán bộ là giám đốc. Vừa là giám đốc vừa là bảo vệ, nhân viên, trông nhà. Cho nên cơ chế thì không cho cán bộ vì phải trả lương. Mà còn nếu cho để tự kinh doanh, tự hoạt động thì vẫn chưa được phê duyệt. Cái này cũng là một bất cập mà chúng tôi cũng không xử lý được.

'Chúng tôi cũng thấy xót xa' ảnh 1

Hội trường vẫn treo tấm biển lớp tập huấn từ năm 2014. Ảnh: N.T.

Chúng tôi không phải nhà nghỉ

Thưa bà, nếu Trung tâm hoạt động kém hiệu quả thì tính sao?

Cái hiệu quả hay không thì mình chưa đánh giá bởi vì nếu phê duyệt xong, trưng biển lên lúc đó không hiệu quả mình mới nói. Còn bây giờ chưa xây dựng xong, chưa đi vào nghiệm thu thì làm sao mà đánh giá được. Hôm qua, hôm kia bắt đầu kiểm toán, chúng tôi mới trình tờ trình lên T.Ư Hội, lúc đó mới bắt đầu phê duyệt quyết toán. Mười mấy năm công trình còn chưa thanh quyết toán, lãng phí hay không, khi chưa đi vào hoạt động thì cũng không dám đánh giá. Nếu 3 năm anh cấp kinh phí cho tôi đầy đủ, công trình đi vào hoạt động mà không có hiệu quả thì mình mới đánh giá. Bây giờ 11 – 12 năm rồi mà chưa phê duyệt quyết toán. Công trình đang dở dang thì làm sao mà đưa vào hoạt động. Đưa vào hoạt động lại kèm theo một số những cái khác. Trung tâm chỉ tổ chức một số hoạt động là các buổi tập huấn rồi chuyển giao khoa học kỹ thuật, sinh hoạt các vùng miền và các tỉnh lân cận. Hàng năm kinh phí bảo trì, bảo dưỡng là chưa có. Bởi vì nhà nước chỉ cấp kinh phí 1 lần chứ không cấp hàng năm, thế nên phải có hoạt động dịch vụ để lấy cái này làm cái kia.

Theo phản ánh thì hiện nay tại Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn ở Phú Yên có tiếp nhận khách đặt phòng, làm dịch vụ du lịch. Bà có nắm được không?

Cái đấy không có đâu. Chỉ là ví dụ như bọn em (người viết) có đến thì anh em hướng dẫn, có thể là một vài đoàn nghỉ một vài hôm, các tỉnh họ qua công tác. Tôi vào Vũng Tàu thì cũng vào Trung tâm của Vũng Tàu để nghỉ. Cái này cũng luân phiên ở 63 tỉnh, thành.

Nghĩa là không được tiếp khách ngoài?

Đúng rồi. Chỉ có các cụ về hưu của các tỉnh họ lên đến đăng ký nghỉ.

Nhưng khi không có kinh phí thì có thể chuyển sang làm dịch vụ để kiếm tiền trang trải chi phí đảm bảo hoạt động của Trung tâm?

Nếu làm thế thì sẽ phải đề biển vì còn liên quan đến vấn đề thuế. Lúc đó phải đăng ký là đơn vị sự nghiệp, còn bây giờ đang là hành chính.

Theo bà, chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp có tốt hơn không?

Đương nhiên là tốt hơn. Khi được phê duyệt rồi thì mình làm theo các hướng dẫn của T.Ư Hội, có thể giao cho đơn vị sự nghiệp làm.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.