Vụ hơn 10.500 ha rừng ở Đắk Lắk được báo chí mấy ngày qua giật tít là "mất", thì đó có phải là mất không?!
Rất nhiều cán bộ quản lý, thậm chí ở những cấp rất cao đã, đang và sẽ bị kỷ luật, ra tòa, vào tù, mà dân gian ví von là "củi” với “lò", đó có phải là mất không?!
Vị giáo sư Việt kiều Mỹ đang làm phó Hiệu trưởng ở một trường đại học tư nhân tại TPHCM vừa phải rời trường trở về Mỹ. Bởi thầy không đủ điều kiện bổ nhiệm làm hiệu trưởng theo quy định của Việt Nam, đó là phải có ít nhất 5 năm tham gia quản lý ở cấp khoa, phòng. Trong khi vị giáo sư này đã và đang dạy tại nhiều trường nổi tiếng ở Mỹ, đoạt những giải thưởng khoa học danh giá. Đó có phải là mất không? Ít nhất là tước mất quyền tự chủ để phát triển bằng vốn liếng chính mình của một đại học tư.
Có những thứ mất là mất, như biết bao núi rừng, sông biển, đất đai, hải đảo,... bị không ít những thế lực địa phương cấu kết với doanh nghiệp tước đoạt của dân, của đất nước dưới hình thức những dự án “biếu không” để chia lô bán nền. Bất biết dân sống chết ra sao, an nguy thể chế thế nào. Còn tất nhiên đằng sau đó phần lợi lộc khổng lồ chui vào túi ai thì không cần phải nói, cũng biết. Chẳng ai chịu kém miếng để “mất” đi đâu cả!
Có những thứ mất mà không mất, như bầy đàn cán bộ tha hoá, tham lam vơ vét không chừa thứ gì. Càng "mất" những loại quan lại tệ hại ấy, dân càng được nhờ. Phép nước may ra mới nghiêm minh, công bằng mới hy vọng được thiết lập.
Mất cả bản đồ quy hoạch dự án thu hồi đất và giải tỏa tới 15 ngàn hộ dân ở đô thị lớn nhất nước! Một quyết định pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất đã được các ban bệ, bộ ngành thông qua và Thủ tướng ký phê duyệt; Khiến chúng ta hiểu thời buổi này, bất kỳ thứ gì cũng có thể “mất”. Dù cái nghĩa của từ “mất” này được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thì ở đây coi như là mất trắng, mất mà không thể đi tìm. Bởi một “ý chí” nào đó của những người khai sinh ra dự án? Người dân mất đất oan đau đáu đi khiếu kiện suốt bao nhiêu năm qua, cũng như cả xã hội đang tập trung dõi theo, nay mất thêm những gì nữa?
Chỉ sợ có những thứ tưởng như còn đó, lại đã mất từ lâu, không bao giờ tìm lại được. Đó là lòng dân, là vận mệnh chế độ. Cao hơn, là an nguy của cả dân tộc này. Đến lúc mọi người dân mất kiên nhẫn, ai nấy đều sống với tâm thế “không còn gì để mất”, thì nguy cấp ấy khó lòng cứu kịp.