Thông tư 36:

Chứng khoán đã hết 'sốc'?

Không ít tiền từ ngân hàng đã đổ vào chứng khoán. Ảnh: ST.
Không ít tiền từ ngân hàng đã đổ vào chứng khoán. Ảnh: ST.
TP - Cách đây 1 tháng, thị trường chứng khoán từng được “tung hô” sẽ bật lên sắc xanh ở ngưỡng 650 điểm vào cuối năm nay 2014. Tuy nhiên tại thời điểm đầu tháng 12 này, VN-Index vẫn  cách mốc 600 tới gần 100 điểm trong khi giao dịch lại trầm lắng hẳn. Theo giới đầu tư, ít nhiều thị trường vẫn “hứng” tác động đến từ Thông tư 36.

“Đè ngã” chứng khoán

Thị trường đã lấy lại sắc xanh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần tháng 12, tức hơn 10 ngày sau Thông tư 36 được chính thức công bố. Ở cả hai phiên chỉ số VN-Index đều chỉ tăng ở mức tượng trưng 0,25% nhờ một vài mã cổ phiếu lớn cố gắng cầm cự và thanh khoản của thị trường đều dưới mức 2.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn khá nhiều so với trước đó. Trên sàn Hà Nội tình trạng tương tự khi thanh khoản sụt giảm xuống cách xa mốc 1.000 tỷ đồng/phiên. Trước đó chỉ số VN-Index đã có phiên giảm điểm mạnh bất ngờ sau Thông tư 36 được công bố.

Theo một đại điện của NHNN, tổng dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán đến nay chỉ khoảng 4% vốn điều lệ của ngân hàng, tức là dưới mức “room” 5% theo quy định của Thông tư 36. Tuy nhiên,  phân tích của giới trong ngành chỉ ra: đây chỉ là tỷ lệ bình quân, còn chắc chắn sẽ có nhiều ngân hàng cho vay đang ở “cửa” trên mức này. Chưa kể,  đối với những ngân hàng tuy là có tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán dưới 5% nhưng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% cũng buộc phải rút dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán. Do vậy, Thông tư 36 sẽ có mức tác động nhất định đối với thị trường chứng khoán.

Chia sẻ với Tiền Phong, chuyên viên phân tích một CTCK cho biết trên thực tế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán là rất lớn.  Vị này nói hãy thử hình dung: Trước đây khi các ngân hàng tăng vốn điều lệ ồ ạt, tất nhiên cổ đông hiện hữu sẽ khó có khoản tiền mặt lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên một trong những cách là họ phải thế chấp cổ phiếu để vay tiền từ ngân hàng để tăng vốn. Không chỉ có ngân hàng mà những ông chủ của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng thường thế chấp cổ phiếu vay ngân hàng để tăng vốn, hoặc thâu tóm doanh nghiệp khác. Dù trên sổ sách những khoản vay này không hoàn toàn thể hiện là tiền vay để đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, dưới áp lực của những quy định mới này buộc ngân hàng phải dè dặt và chắc chắn sẽ siết lại hoạt động này.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng TTCK giảm không phải vì Thông tư 36 mà xuất phát từ nguyên nhân giá dầu giảm khiến nhóm cổ phiếu dầu khí tác động mạnh lên chỉ số. Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia,  thị trường vẫn ở giai đoạn nhạy cảm và còn vận động khó khăn. Đầu tuần này, CTCK TPHCM (HSC) cho rằng, sự điều chỉnh ban đầu đối với cho vay chứng khoán liên quan đến Thông tư 36 và sự sụt giảm mạnh gần đây của giá xăng dầu bắt đầu dịu xuống.

Lâu dài sẽ tác động tốt

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nếu chỉ nhìn ở phạm vi ảnh hưởng tới hệ thống NHTM và TTCK về số lượng có thể sẽ giảm lượng vốn đầu tư vào cổ phiếu (lượng vốn từ 20% xuống còn 5%). Tuy nhiên trong thực tế, tổng lượng vốn ngân hàng vào cổ phiếu tính trên toàn hệ thống chưa lúc nào đạt tới 20% trên tổng vốn điều lệ. Nói về ảnh hưởng của Thông tư 36, TS Lê Thẩm Dương khẳng định:  nếu có cũng chỉ ảnh hưởng tốt trong dài hạn đến chất lượng của  thị trường chứng khoán và ảnh hưởng tốt đến chất lượng của hoạt động ngân hàng. Nó là tiền đề cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Vì vậy, những tác động tiêu cực nếu có chỉ là do yếu tố tâm lý.

CTCK Bản Việt vừa có phân tích cho thấy: nếu trước đây một số nhận định cho rằng Thông tư 36 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động margin trên thị trường chứng khoán (do theo Thông tư 36 mức trần tín dụng được quy định theo Thông tư mới ở khoảng gần 22.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ margin thị trường chỉ mới ở khoảng 17.000 tỷ đồng. Do đó, dư địa cho vay chứng khoán vẫn ở trong mức bình thường). Bên cạnh đó, một thống kê gần đây dựa trên 39 CTCK đã công bố báo cáo tài chính thì tổng vốn vay ngắn hạn và dài hạn ở các công ty này chỉ ở mức 7.771 tỷ đồng (vay ngân hàng thương mại, huy động trái phiếu, vay công ty và các cá nhân; trong đó các khoản vay bằng trái phiếu chiếm tỷ trọng khá lớn). Có thể thấy các CTCK đang chủ yếu sử dụng vốn tự có để tài trợ cho hoạt động margin và việc vay vốn từ ngân hàng của CTCK hiện tại vẫn khá thấp.

Một trong những điểm đáng lưu ý khác của Thông tư 36 được CTCK Bản Việt cho rằng tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán được mở rộng. Đó là hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh cổ phiếu và bất động sản sẽ giảm từ 250% xuống còn 150%. Như vậy thực ra nguồn vốn để dành cho vay chứng khoán cũng đang được nới lỏng.

Ngân hàng đổ cả ngàn tỷ

Theo một nguồn tin tại một cuộc làm việc gần đây với đại diện NHNN, một NHTM cổ phần lớn đã xác nhận tín dụng của ngân hàng này hiện nay cho các công ty chứng khoán với mục đích đầu tư vào chứng khoán lên đến gần 1.000 tỷ đồng, vượt mức trần 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ của ngân hàng. Thống kê cho thấy hiện còn rất nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên 3% là ACB, Agribank, Eximbank, NVB.  “Đến nay chưa có những thống kê cụ thể về tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán của nhóm ngân hàng này nhưng theo ước đoán thì giá trị  không hề nhỏ”- Một chuyên gia ngân hàng nói.

MỚI - NÓNG