Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Luật Thi hành án dân sự phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của ngành thi hành án, xử lý nghiêm minh tình trạng tắc trách, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, nhũng nhiễu, có tiền mới thi hành, không có chung chi thì không thi hành. Bởi hiện tượng này đang xảy ra không phải hiếm.
Người dân khi đã ra đến tòa có những vụ việc mất 5 -7 năm mới có được phán quyết của tòa án, vậy mà cầm được bản án có hiệu lực trong tay rồi lại thêm 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm nữa bản án vẫn không được thi hành. Đây chính là một trong những lý do khiến người ta đi tìm những lực lượng khác như công ty đòi nợ thuê, xã hội đen... - những cách ngoài pháp luật, thậm chí trái pháp luật - để được thi hành án.
Đáng lo ngại là những bản án tuyên không chuẩn xác, hợp lý của tòa án cũng khiến việc thi hành khó khăn hơn. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, khi nói đến trách nhiệm ngành thi hành án thì cũng phải nói đến trách nhiệm của tòa án đối với bản án của chính mình. “Tòa án khi ban hành bản án phải có trách nhiệm cho đến khi bản án thi hành xong.
Công lý không thể phán quyết xong rồi chấm dứt”, ông Nghĩa nói. Do vậy, đòi hỏi các thẩm phán phải điều tra, xác minh, yêu cầu bên nguyên đơn và bị đơn cung cấp các chứng cứ cần thiết để tuyên một bản án đúng và khả thi trong thi hành.