Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp: Đâu chỉ mỗi giáo viên?

0:00 / 0:00
0:00
Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp: Đâu chỉ mỗi giáo viên?
TPO - Mấy ngày nay, dư luận dường như dậy sóng khi giáo viên muốn thăng hạng bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, chứng chỉ này không chỉ “hành” mỗi giáo viên mà là điều kiện bắt buộc đối với tất cả công chức, viên chức.

Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (Điểm b Khoản 1 Điều 31). Viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (Điểm b Khoản 3 Điều 33).

Nghị định số101/2017 NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ quy định: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (Điểm a Khoản 3 Điều 26).

Như vậy, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung với viên chức tất cả ngành, lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục; không chỉ giáo viên mà bất cứ viên chức ngành nào cũng phải có chứng chỉ bồi dưỡng này nếu muốn thăng hạng.

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Việc ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải phù hợp, không được trái với quy định của hệ thống pháp luật, không được vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập (và tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGĐT-BNV trước đây) là thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Vì vậy, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017 NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Trong khi đó, giáo viên có một ưu tiên đi trước các viên chức ngành khác là Giáo viên sẽ không còn phải vừa dạy học vừa lo đôn đáo đi kiếm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chỉ để hợp thức hóa về thủ tục.

Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11-3-2014 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.
Từ ngày 20/3 này, giáo viên chính thức không còn phải lo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trong khi đó, với viên chức các ngành khác, trả lời báo chí, Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết hiện nay Bộ này đang dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, với “tư tưởng” là bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Như vậy, viên chức các ngành khác vẫn còn phải đợi chủ trương của Bộ Nội vụ, còn giáo viên đã chính thức “thoát” yêu cầu này.

MỚI - NÓNG