Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt. |
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (8/8).
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác bảo hộ công dân tại Trung Đông, Myanmar và Bangladesh, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cho biết, trước tình hình tại Trung Đông diễn biến biến phức tạp, ngày 5/8, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không đến Li-băng, Iran, Israel vào thời điểm này; nếu đang ở những quốc gia đó, cần sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba hoặc trở về Việt Nam; tuân thủ những quy định và hướng dẫn về biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh của chính quyền sở tại.
Ngày 7/8, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Bangladesh vào thời điểm này; công dân Việt Nam tại Bangladesh phải tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình, không đến khu vực đông người có khả năng xảy ra biểu tình.
Đối với tình hình Myanmar, Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân nếu không có việc thực sự cần thiết thì không nên đến khu vực đang có diễn biến phức tạp như ở bang Shan và bang Kayin. Nếu công dân đang ở khu vực đó phải nhanh chóng có phương án sơ tán người và tài sản tới khu vực an toàn hoặc về Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Bangladesh và Myanmar đã đề nghị cơ quan chức năng sở tại đảm bảo an toàn tối đa cho các công dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết; giữ liên lạc chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo và hỗ trợ công dân di chuyển đến khu vực an toàn, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết.
“Chúng tôi cũng lưu ý công dân ta tại các quốc gia và khu vực trên cần thường xuyên theo dõi khuyến cáo của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trên để phản ứng kịp thời”, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt nói.
Trong lúc này, tình hình khu vực Trung Đông đang cực kỳ căng thẳng khi Israel và đồng minh chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của Iran và các lực lượng thân thiết, để đáp trả vụ ám sát lãnh đạo của Hamas tại Tehran và một nhân vật cấp cao của lực lượng Hezbollah vào tuần trước.
Tại Myanmar, tình hình giao tranh giữa quân đội và các lực lượng nổi dậy vẫn diễn ra quyết liệt. Trong diễn biến mới nhất, quân đội Myanmar thừa nhận lực lượng của họ đã rút khỏi một số vị trí ở bang Shan, khu vực gần biên giới Trung Quốc. Trước đó, liên minh các nhóm vũ trang sắc tộc tuyên bố đã giành được khu vực này và đẩy lùi lực lượng của chính quyền.
Tại Bangladesh, tình hình dịu xuống khi ông Muhammad Yunus trở về nước để dẫn dắt chính phủ tạm quyền. Nhiều tuần biểu tình hỗn loạn đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng, buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và chạy sang nước láng giềng Ấn Độ.
Đảng Liên minh Awami của bà Hasina không có mặt trong chính phủ tạm quyền sau khi bà từ chức.
Trong một bài đăng trên Facebook, ông Sajeeb Wazed Joy, con trai bà Hasina, tuyên bố đảng này vẫn chưa từ bỏ và sẵn sàng đối thoại với các phe đối lập và chính phủ lâm thời.
“Tôi đã khẳng định, gia đình tôi sẽ không tham gia chính trị nữa, nhưng với cách các lãnh đạo đảng của chúng tôi bị tấn công, chúng tôi không thể bỏ cuộc", ông Sajeeb Wazed Joy tuyên bố trong bài đăng ngày 7/8.
Trong trường hợp công dân tại các khu vực trên cần trợ giúp, có thể liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân của cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao): + 84 981 84 84 84.