Chưa thể tiếp cận các nạn nhân vụ sập hầm

Công tác cứu nạn được tiến hành hết sức khẩn trương. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Công tác cứu nạn được tiến hành hết sức khẩn trương. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Mặc dù hàng trăm người nỗ lực cứu hộ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được các nạn nhân vụ sập hầm công trình thủy điện do bùn nhão lẫn với đất đá, bêtông, sắt thép rất lớn.

Trả lời báo giới, ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, lúc đầu dự kiến đoạn sập hầm chỉ khoảng 6-7 m nhưng đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ đã khoan đưa được vào hơn 10 m đường ống nhưng vẫn chưa thông.

"Hiện chưa xác định đoạn bị sập dài bao nhiêu nên không thể dự đoán được khi nào có thể bơm oxy vào trong hầm. Công tác cứu hộ hết sức khó khăn vì địa chất là bùn nhão lẫn với đất đá, bêtông, sắt thép...", ông Triều nói.

Cũng theo ông Triều, hầm nhỏ nên việc đưa phương tiện cơ giới lớn vào tham gia công tác cứu hộ hết sức khó khăn. Lực lượng cứu hộ mới đưa được khoan, máy nổ, ống khí...vào bên trong hầm. Những phương án mới triển khai đang được tính toán.

Lực lượng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường là hơn 150 người. Trong đó đội ngũ trực tiếp khoan đường hầm khoảng 60 người, được chia làm 3 tốp, thay phiên nhau khoan.

Ông Triều thông tin thêm, thời điểm này vẫn chưa xác định chính xác số công nhân mắc kẹt bên trong hầm là 11 hay 12. 

"Một nhóm công nhân thoát ra ngoài đang hoảng loạn. Trong số đó tài xế xe máy xúc là người nhảy khỏi xe, chạy thoát sau cùng ra khỏi miệng hầm, trước khi khối bùn nhão vùi lấp máy xúc. Ông ấy chỉ nghe một tiếng động mạnh vang lên, sau đó khối đất đá, bêtông, bùn nhão tràn xuống", ông Triều kể.

Chưa thể tiếp cận các nạn nhân vụ sập hầm ảnh 1

Hầm thủy điện dài khoảng 700 m, các công nhân đang thi công được 600 m. Khu vực sập hầm ở vị trí 500 m từ ngoài vào - Ảnh: Thanh Niên

Theo ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, đến thời điểm này, cứu hộ chỉ khoan được khoảng 10 m vì liên tục gặp đá. Trong 11 người bị mắc kẹt có một nạn nhân nữ. Tất cả các công nhân này đều là người nơi khác đến. Hiện tại chưa thể dự đoán được bao giờ có thể đưa được đường ống vào trong.

"Đến thời điểm này lực lượng cứu hộ vẫn chưa liên lạc được với họ. Công tác cứu hộ hết sức khẩn trương", ông Hải nói.

Khoảng 7 giờ sáng nay 16/12, tại công trình thủy điện Đa Dâng - Đạ Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng xảy ra vụ tai nạn sập hầm thủy điện khiến 11 công nhân mắc kẹt.

Theo thông tin ban đầu, vị trí sập cách cửa hầm khoảng 500 m. Để đảm bảo các công nhân bị kẹt lại trong hầm có đủ dưỡng khí để duy trì sự sống, lực lượng cứu hộ đang tìm cách bơm ô xy vào hầm.

Công trình thủy điện Đa Dâng - Đạ Chomo do Công ty CP Sông Đà 505 thi công.

Công trình thuỷ điện Đa Dâng - Đa Chomo có tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kWh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Công trình này gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn - Nhà máy thuỷ điện Đa Dâng đặt trên dòng sông Đa Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đa Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).

Theo Theo VnExpress/Thanh Niên/ Báo Lâm Đông
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.