Rừng thông phòng hộ bị triệt hạ |
Ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết các cơ quan chuyên môn của thành phố và tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm cây rừng bị thiệt hại tại lô a, khoảnh 15, tiểu khu 144B, lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý bảo vệ.
Lực lượng chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường |
Bước đầu, đúng như báo Tiền Phong đã phản ánh: Có trên 300 cây thông trưởng thành bị cưa hạ và khoảng 100 cây bị ken gốc đổ hóa chất. Hiện số cây bị đầu độc đã chết, không thể cứu vãn. Đây là vụ phá rừng thông có quy mô lớn nhất ở TP Đà Lạt từ trước đến nay.
Cũng theo ông Sơn, lãnh đạo thành phố đều bất ngờ trước vụ phá rừng quy mô lớn này. Trước mắt chưa phát hiện được động cơ phá rừng bởi toàn bộ số cây bị cưa hạ vẫn nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Cây thông bị cưa hạ ngã đổ la liệt tại tiểu khu 144B |
Khu vực này cao tới 1.600m, địa hình hiểm trở, không có lối đi. Từ đường Mai Anh Đào, phải vượt 5km đường rừng mới vào được hiện trường, trong đó phải lội bộ xuyên rừng phần lớn quãng đường, xe chuyên dụng cũng không thể vào chở gỗ được.
Mặt khác, vùng rừng bị cưa cắt cũng rất xa nguồn nước và không tiếp giáp với khu vực sản xuất nông nghiệp, do đó khó có thể nhận định các đối tượng phá rừng để lấy đất lập vườn sản xuất nông nghiệp.
Lực lượng chức năng bước đầu xác định vụ triệt hạ cây rừng được tiến hành theo hai đợt bởi bên cạnh những vạt thông lá đã úa vàng do bị cưa hạ khá lâu, là những vạt lá vẫn còn xanh, chứng tỏ mới bị triệt hạ vài ngày trước.
Để phá được khu vực rừng rộng lớn thế này, các đối tượng phải mất nhiều ngày với sự hỗ trợ của thiết bị máy móc. Các đối tượng phá rừng rất chuyên nghiệp khi dùng cưa điện ít gây tiếng ồn và chỉ với 2 lát cắt là những cây có đường kính gốc lên tới 60cm đã ngã đổ.
Chỉ với 2 lát cắt là hạ gục cây thông lớn |
Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay vừa có văn bản đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra. Tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND TP Đà Lạt giao các cơ quan chức năng sớm hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm và phải công khai vụ phá rừng trái pháp luật này.
Đơn vị chủ rừng phải khẩn trương tổ chức giải tỏa hiện trường, lập hồ sơ trồng lại rừng trước ngày 10/6; không để đối tượng vi phạm sử dụng, sang nhượng diện tích rừng bị phá.
Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan trong vụ phá rừng nghiêm trọng này, xử lý trách nhiệm theo quy định, hoàn thành trước ngày 31/5.
Vạt rừng bị cưa hạ gần hết |
Hiện Công an đang rà soát các đối tượng khả nghi gần khu vực rừng bị phá và một số khu vực lân cận thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.