Chùa Hương chuyển mình cùng hội nhập

Về với Chùa Hương là về với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình… Ảnh: Như Ý.
Về với Chùa Hương là về với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình… Ảnh: Như Ý.
TP - Ðể Chùa Hương phát triển bền vững, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trảy hội, những năm qua huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, cảnh quan.

Ðẹp trong tiềm thức, sạch trong không gian

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức: khi đến  với Chùa Hương, du khách không chỉ mong muốn, tận mắt nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình mà còn muốn được hoà mình vào không gian tâm linh của cõi phật. Ðể đem lại sự hài lòng cho du khách, những năm qua huyện Mỹ Ðức đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du khách tạo sự khang trang, thông thoáng cảnh quan môi trường.

Ðặc biệt, huyện tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm, xoá bỏ các hình ảnh xấu xí, phản cảm để đem lại cảm giác thư thái cho du khách trảy hội, ngắm cảnh.“Một thời báo chí, dư luận phản ánh nhiều về tình trạng thịt thú rừng, động vật được treo, bày bán khá phản cảm dọc các tuyến đường vào Chùa Hương. Rồi tình trạng lộn xộn trong đi lại, thậm chí có cả tình trạng trộm đồ, móc túi… Nhưng rồi với sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý nghiêm những vi phạm đến nay tình trạng trên đã không còn nữa”, ông Hậu cho biết.

Lễ hội năm 2016 tới đây (khai mạc vào ngày 13/2/2016, tức ngày 6 Tết), huyện xác định là mùa lễ hội kỷ cương – văn minh du lịch. Vì thế, thời gian qua huyện đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để đem không gian “sạch” đến với du khách.Với những gì đã chuẩn bị, tôi tin chắc rằng Lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ thực là lễ hội kỷ cương – văn minh du lịch. Du khách đến với Lễ hội Chùa hương sẽ có những cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tĩnh tâm nơi cửa chùa. Có điều kiện để thưởng ngoạn thắng cảnh “sơn thủy hữu tình” “đẹp nhất trời nam”.

Bảo vệ di tích như  giữ “hơi thở” của mình!

Theo ông Hậu, sự phát triển của Lễ hội Chùa Hương đã và đang tạo ra những thay đổi hết sức căn bản trong đời sống kinh tế, xã hội của Mỹ Ðức. Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu du khách đến với Chùa Hương. Tổng thu ngân sách của huyện từ Lễ hội Chùa Hương đạt khoảng 70 tỷ đồng. Lễ hội Chùa Hương cũng đã tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng vạn người dân trong huyện và các huyện lân cận…

Ðể Lễ hội Chùa Hương phát triển bền vững, thời gian qua địa phương đã tập trung tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng du lịch cho nhân dân địa phương nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa trong mùa lễ hội để ngày càng thu hút được thêm nhiều du khách đến thăm quan, trảy hội. “Người dân giờ đây đã nhận ra rằng bảo vệ di tích Chùa Hương chính là bảo vệ đời sống, bảo vệ “nồi cơm” của bản thân và gia đình. Họ cũng nhận thức ra được rằng, chỉ có làm tốt, phục vụ tốt thì du khách mới đến đông, mới tăng được thêm thu nhập cho gia đình và bản thân”.

Bí thư huyện uỷ Lê Văn Sang cho biết thêm, để “níu” du khách ở lại thêm Chùa Hương, tới đây huyện sẽ chủ động phối hợp với Sở Du lịch để tăng cường sự kết nối với các cụm, vùng, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn trong thành phố. Khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, nhất là trục tâm linh Bái Ðính - Chùa Hương - Ba Vì - Hồ Tây. Ðồng thời, liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân để xây dựng các tua du lịch chuyên nghiệp phục vụ du khách trong và ngoài nước, đặc biệt đối với khách nước ngoài. Xây dựng thêm các ấn phẩm chuyên sâu về du lịch; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch giỏi để khai thác tối đa các điểm du lịch khác trong quần thể Chùa Hương như động Tuyết Sơn, Hương Ðài, Hinh Bồng...

MỚI - NÓNG