Qua quan sát mẫu nước tại khu đô thị Linh Đàm và Định Công, TS Nguyễn Văn Khải – chuyên gia xử lý nước ô nhiễm cho rằng, có thể đây là mùi hóa chất trong nước quá nhiều so với quy định nên gây ra mùi. “Còn là hóa chất gì thì đầu tiên đơn vị cung cấp nước và chính quyền thành phố phải vào cuộc làm rõ, cùng với đó có phân tích đánh giá xem các mùi, màu lạ trong nước có độc hại hay không”, TS Nguyễn Văn Khải đề nghị.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, việc này là để các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý kịp thời, vừa để người dân yên tâm, có các thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, sự việc nước có mùi lạ xảy ra từ tuần qua, nhưng đến nay gần một tuần trôi qua, cả đơn vị cung cấp nước và cơ quan chính quyền từ thành phố đến quận, phường chưa có bất kỳ thông báo, lý giải nào là quá thờ ơ với cuộc sống người dân.
Đánh giá về việc trên, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến nhiều khu dân cư không dám sử dụng, phải tự đi tìm nguồn nước thay thế bằng việc xách xô chậu đi xin hoặc mua từ các xe téc, tình hình trật tự dân cư rất nháo nhác, lộn xộn. Cho đến chiều 14/10, sau khi báo chí phát hiện có hóa chất phía đầu nguồn nhà máy, một số sở ngành Hà Nội mới lên nhà máy nước sạch Sông Đà để kiểm tra là quá chậm chạp.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, với những gì người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã chứng kiến và báo chí quay lại clip, chất váng cặn nổi trên mặt nước tại kênh dẫn vào nhà máy nước Sông Đà không phải là váng cặn của xăng hoặc dầu mà đây là chất thải của dầu nhớt (dầu máy công nghiệp).
Phân tích cụ thể hơn chất dầu thải này, TS Khải cho rằng, khác với chất thải của xăng, dầu (thường bay đi khi được xử lý bằng clo hoặc hóa chất chuyên dụng); nhưng chất thải dầu máy công nghiệp do có chất keo kết dính nên rất khó tẩy rửa bằng các biện pháp thông thường. “Đây cũng là nguyên nhân người dân khi được thuê lội xuống kênh vớt những lớp váng này, sau đó phải đốt, bỏ hết quần áo, do không thể giặt, tẩy”, TS Khải nêu thực tế.
Chưa có nhà máy nước nào xử lý được dầu thải
GS.TS Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cũng cho biết, công nghệ xử lý hiện nay của các nhà máy nước sạch tại Việt Nam cũng như nhà máy nước sạch Sông Đà là lấy nước vào bể để lắng, lọc, sau đó bơm vào bể xử lý tiếp bằng dung dịch clo cho hết mùi, xong đưa ra hệ thống đường ống cung cấp cho người dân.
Người dân KĐT Linh Đàm xếp hàng lấy nước từ xe téc do nguồn nước máy không thể dùng. Ảnh: A.Trọng.
Với nhà máy nước sạch Sông Đà quy trình này xử lý này còn đơn giản hơn nhiều vì đây là nước mặt. “Nay nguồn nước đầu vào bị nhiễm dầu công nghiệp như vậy không biết nhà máy sẽ xử lý ra?”, GS.TS Nguyễn Văn Liên đặt câu hỏi.
Cho ý kiến về hướng xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch, GS.TS Nguyễn Văn Liên cho rằng, nếu nguồn nước đầu vào nhà máy nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm dầu máy công nghiệp thì rất khó công nghệ nào hiện tại ở trên cả nước xử lý được. Theo GS.TS Nguyễn Văn Liên, hiện nay, công nghệ xử lý nguồn nước ô nhiễm hiện đại nhất là công nghệ xử lý Nano của Pháp, tuy nhiên công nghệ này rất tốn kém và chưa có nhà máy nước sạch nào ở Việt Nam xử lý theo công nghệ này.
Đưa ra giải pháp cho sự việc trên, đại diện Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc cần làm đầu tiên là cơ quan chức năng cần kiểm tra và có kết luận về chất lượng nguồn của nhà máy nước sạch Sông Đà. Từ đó, cần có giải pháp cụ thể nếu nguồn nước bị ô nhiễm. Tiếp đó, thành phố Hà Nội cần phối hợp với Tổng cục Môi trường đánh giá tác động tổng thể của sự việc trên và có thông báo rộng rãi. Khi đưa ra giải pháp xử lý, cần trưng cầu ý kiến người dân và các tổ chức xã hội.