Để thuốc tốt, rẻ đến tay người bệnh

Chưa có bệnh viện nào nói 'thuốc kém chất lượng'

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng. Ảnh: H.N.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng. Ảnh: H.N.
TP - Dược sĩ Đỗ Văn Dũng- Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong hôm qua, 12/9.

Ông Đỗ Văn Dũng nói: Sau đấu thầu thuốc, Sở Y tế TPHCM có chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm thành phố lấy mẫu và kiểm nghiệm 92/1.211 thuốc trúng thầu. Kết quả các thuốc lấy mẫu đạt chất lượng 100%. Sở cũng yêu cầu các bệnh viện theo dõi hiệu quả và độ an toàn của thuốc trên lâm sàng. Đến nay chưa có bệnh viện nào phản ánh về chất lượng của thuốc trong điều trị.

Trước năm 2014 các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP HCM thực hiện đấu thầu thuốc riêng lẻ. Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kết luận việc đấu thầu thuốc riêng lẻ có nhiều bất cập như giá thuốc trúng thầu của cùng một thuốc chênh lệch nhau khá nhiều giữa các bệnh viện trên cùng địa bàn; việc đấu thầu thuốc thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng kế hoạch, hồ sơ mời thầu, xử lý tình huống trong đấu thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Do mỗi bệnh viện tập trung công sức để đấu thầu nên đấu thầu thuốc riêng lẻ làm mất nhiều thời gian, nhân lực và tăng chi phí đấu thầu, dược sĩ không còn nhiều thời gian để làm công tác chuyên môn dược.

Giá cả của thuốc so với trước khi chưa đấu thầu tập trung ra sao, thưa ông?

Điểm khác biệt lớn nhất của hoạt động đấu thầu thuốc tập trung là danh mục thuốc của các bệnh viện, sau khi thông qua Hội đồng thuốc và điều trị, được tổng hợp thành một danh mục thuốc thống nhất và chỉ có một hội đồng tổ chức đấu thầu. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung được phản biện bởi Ban phác đồ điều trị và Hội đồng tư vấn chuyên môn ngành y tế bao gồm Ban giám đốc sở, lãnh đạo các phòng chức năng của sở, Ban giám đốc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa lớn của thành phố, đại diện bảo hiểm xã hội thành phố, các chuyên gia lâm sàng của một số bệnh viện.

Các thuốc có nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp không phổ biến nhưng có giá cao bất thường theo khuyến cáo của bảo hiểm xã hội phải loại ra khỏi danh mục thuốc đấu thầu tập trung; ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, có cân đối tỉ lệ giá trị thuốc biệt dược gốc/generic, thuốc ngoại/thuốc nội, tỉ lệ giữa các nhóm thuốc generic.

Một thống kê cụ thể trên 19 thuốc cùng tên thương mại cho thấy: Có 19 thuốc có giá trúng thầu năm 2014 thấp hơn giá trúng thầu năm 2011 từ 11,76% đến 347,37%, chênh lệch 45 tỷ đồng; Có 19 thuốc có giá trúng thầu năm 2014 thấp hơn giá trúng thầu năm 2012 từ 11,76% đến 400%, tiết kiệm được 54 tỷ.

Nhưng việc gom về một mối cũng xảy ra nhiều hệ luỵ, như: thiếu thuốc và các đơn vị trúng thầu không cung ứng kịp?

Nhược điểm lớn nhất của đấu thầu thuốc tập trung là có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở giai đoạn đầu ngay sau khi có kết quả đấu thầu. Nguyên nhân là do nhà thầu chỉ có một lượng thuốc tồn kho cơ bản để kinh doanh. Sau khi trúng thầu, nhà thầu mới đẩy mạnh việc nhập khẩu hoặc sản xuất để thực hiện hợp đồng giao nhận thuốc. Việc này có thể khắc phục bằng cách xây dựng các tiêu chí cao trong việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với những gói thầu có quy mô lớn; thực hiện việc dự trữ thuốc tồn kho gối đầu giữa 2 đợt đấu thầu.

Có thông tin cho rằng, khi đấu thầu thuốc tập trung doanh nghiệp trong nước dù đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn không đáp ứng, nghĩa là họ bị rớt thầu khá nhiều. Thực sự vấn đề này như thế nào? Có lý do gì không, thưa ông?

Đấu thầu tập trung đòi hỏi các nhà thầu tham gia phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và có danh mục thuốc đáp ứng được yêu cầu của bên mời thầu với chất lượng và giá cả hợp lý. Do tính cạnh tranh cao trong đấu thầu nên nhiều nhà thầu bị rớt thầu. Điều này phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Phương thức đấu thầu hiện nay là phương thức một giai đoạn 2 túi hồ sơ: Túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và túi hồ sơ đề xuất về tài chính. Toàn bộ nhà thầu được đánh giá năng lực, kinh nghiệm và được chấm điểm kỹ thuật cho từng sản phẩm. Những nhà thầu có sản phẩm đạt điểm kỹ thuật tối thiểu 80 điểm mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá về giá dự thầu. Yếu tố kỹ thuật chiếm 30% và yếu tố giá chiếm 70% trong đánh giá và chọn thuốc trúng thầu. Như vậy để trúng thầu đầu tiên, thuốc phải đạt tiêu chí, chất lượng, kỹ thuật và công nghệ, sau đó thuốc phải có giá thấp hơn các thuốc có cùng mức chất lượng, tiêu chí kỹ thuật.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG