Bởi người ta chưa thể chắc chắn diễn tiến trên có thể dẫn tới hòa bình cho Afghanistan, đất nước còn lâu mới hồi phục hoàn toàn sau các cuộc chiến dai dẳng vừa qua.
Trong khi đó, chính phủ Afghanistan, dù vẫn chào đón bước tiến giữa Mỹ và Taliban, nhấn mạnh rằng tiến trình đàm phán hòa bình nên được dàn xếp qua bàn tay của người Afghanistan. “Bất cứ cuộc đàm phán nào với Taliban nên được dẫn dắt bởi bàn tay của người Afghanistan.
Afghanistan ngày nay không phải là Afghanistan 10 năm trước”, trích một tuyên cáo phát đi từ dinh Tổng thống Afghanistan tuần qua. Với thông điệp này, Tổng thống Hamid Karzai đã nói thẳng: Afghanistan có một chính phủ đủ mạnh và một tổng thống dân cử.
Và dù chính phủ Mỹ và chính phủ Afghanistan có sớm thống nhất được người lĩnh xướng đứng ra dàn xếp, có đón chào quyết định của Taliban, phong trào chính thống Hồi giáo Sunni Pashtun cực đoan và dân tộc thống trị phần lớn Afghanistan từ năm 1995 đến năm 2001, việc đem các bên tham chiến tới bàn đàm phán vẫn có tương lai gập ghềnh do các điều kiện tiên quyết mà mỗi bên đưa ra cũng như bối cảnh chính trị phức tạp ở Afghanistan.
Cả Washington và Kabul đều dứt khoát đòi hỏi rằng Taliban cần “nghiêm khắc” trong quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, từ bỏ các biện pháp bạo lực và chấp thuận hiến pháp của Afghanistan, theo đó tự do báo chí, bình đẳng giới, cơ hội giáo dục cho phụ nữ phải được đảm bảo và phải có tuyển cử tự do.
Trong khi ấy, từ lâu Taliban đã bác bỏ cơ hội giáo dục cho phái nữ và ngăn cản các cuộc tuyển cử quốc hội và tổng thống chừng nào các lực lượng nước ngoài chưa rút hết khỏi Afghanistan.
Xem ra quan điểm của các bên đang đối nhau chan chát và chưa có lối thoát hay cơ hội cho một sự dung hòa. Đã vậy, chuyện Taliban tuyên bố mở một văn phòng ở Qatar dường như đang khiến chính phủ Kabul cảm thấy bị gạt ra rìa hay loại khỏi cuộc chơi.
Nhưng cần nhớ, ngoài Washington, Kabul, phe Taliban, còn có những nhóm vũ trang và chính trị khác có thể can dự hay phá hoại tiến trình hòa đàm.
Khi những nhóm này không có phần trong miếng bánh mang tên Afghanistan, chắc chắn tiếng súng, tiếng bom sẽ còn vang lên, máu sẽ tiếp tục đổ. Những mạng lưới Haqqani, al-Qaeda cho đến nay vẫn chưa lên tiếng và thái độ của họ đối với chuyện hòa đàm còn trong vòng bí ẩn.
Tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Afghanistan là việc rất khó khăn, vì đây là vấn đề đa chiều, đa diện. Sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể đi đến một giải pháp khả dĩ được các bên chấp nhận. Có nghĩa là Afghanistan khó mà đi vào ổn định trong tương lai gần.
Việc Taliban và Mỹ chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán giống như tìm thấy một đường hầm trong lúc bế tắc. Nhưng cho đến nay, chưa thấy dấu hiệu báo trước có khả năng xuất hiện tia sáng nào cuối đường hầm.