Chưa áp dụng “đổi ngồi tù bằng nộp tiền”

Ông Chấn (thứ hai từ trái sang) cho biết vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Ông Chấn (thứ hai từ trái sang) cho biết vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
TP - Đó là khẳng định của ông Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), tại họp báo ngày 16/10 về công tác tư pháp quý III/2015. Theo ông Dũng, đây là vấn đề mới, cần thêm thời gian nghiên cứu nên có thể chưa đưa vào dự luật Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Cân nhắc nhiều nội dung trong dự luật hình sự

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong về việc các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, áp dụng án lệ, ông Trần Văn Dũng cho hay: “Việc áp dụng án lệ trên thế giới đã được áp dụng từ rất lâu, song do nó liên quan mật thiết đến quyền lợi người dân nên cần cân nhắc nghiên cứu”.

Bổ sung trả lời, ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định, TAND Tối cao là cơ quan chủ trì hoạt động xây dựng án lệ. Trên thế giới, phân biệt rõ hai hệ thống luật thành văn và án lệ. Trước đây, Việt Nam áp dụng hệ thống luật thành văn. Gần đây, xu hướng sử dụng cả hai hệ thống này dần phổ biến và thể hiện được những ưu việt trong công tác xét xử.

Liên quan đến các câu hỏi về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ông Trần Văn Dũng cho biết, có nhiều nội dung mới, ban soạn thảo đang cân nhắc xem có nên đưa vào lần này, hay lùi lại để nghiên cứu cho đầy đủ. Đơn cử như chế định đổi tiền sang tù.

Có ý kiến thắc mắc: “Căn cứ nào để quy đổi? Bao nhiêu tiền thay bao nhiêu thời gian tù”. Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính nói: “Dự luật hình sự đưa nội dung này vào nhằm khắc chế những tình huống cố tình chây ỳ, không chịu thi hành án khoản tiền trong bản án, quyết định của tòa án. Việc chuyển đổi tiền sang tù, nếu ở nhiều quốc gia, số tiền cụ thể được tính bằng ngày công lao động làm cơ sở.  Tại Việt Nam, có thể trao quyền đó cho thẩm phán, khi họ tuyên án sẽ đặt số tiền và hình phạt tù song song, cạnh nhau để công tác thi hành án thuận lợi. Do là vấn đề mới, cần cân nhắc thêm nên có thể dự luật lần này chưa đưa chế định trên vào”.

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi: “Khi nào truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Có biện pháp nào ngăn chặn hành vi cá nhân lợi dụng pháp nhân để phạm tội, lẩn trốn trong pháp nhân?”. Ông Trần Văn Dũng tiếp: “Dự thảo luật quy định, khi truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Cá nhân ở đây được hiểu là người đứng đầu, đại diện pháp nhân. Để chứng minh họ phạm tội, cần xem xét hành vi đó có liên quan đến lợi ích của pháp nhân, họ làm vì pháp nhân mà họ đang làm đại diện, được pháp nhân ủy quyền”.

Tạm “treo” ghế Hiệu trưởng để xử lý khiếu nại

Bộ Tư pháp vừa thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, có 3 người trúng tuyển gồm: Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội - luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Cty luật Vietthink. Sau đó, 2 trong 3 người trúng tuyển đã được bổ nhiệm, duy có ông Vinh vẫn chưa được bổ nhiệm.

Lý giải sự chậm trễ trên, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho hay, sau khi công bố kết quả thi tuyển, có lá đơn nặc danh khiếu nại, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về trường hợp của ông Lê Đình Vinh. Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – ông Phan Chí Hiếu đã làm việc với Đại học Luật Hà Nội cùng các bên liên quan. Ban giám hiệu trường này khẳng định, đây là lá đơn nặc danh, không đại diện cho bất cứ cán bộ nào của trường và không mang tính xây dựng. Sau đó, lãnh đạo Bộ cũng đã họp với Bộ Nội vụ cùng các bên liên quan và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng.

Giải thích về việc một luật sư lại được tham gia kỳ thi và trúng tuyển hiệu trưởng trường đại học, ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp - khẳng định điều này hoàn toàn hợp lệ. Theo quy định, sau khi đảm trách vị trí hiệu trưởng, ông Vinh sẽ phải từ bỏ vị trí luật sư.

Bộ nói ông Chấn đã nhận đủ tiền, ông Chấn bảo chưa

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin ông Nguyễn Thanh Chấn đã nhận được khoản tiền 7,2 tỷ đồng hay chưa, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp - khẳng định, số tiền trên đã được trao cho ông Chấn. Ngay tại thời điểm trên, phóng viên đã nối máy với ông Chấn, song ông Chấn lại cho biết chưa nhận được tiền. Trước tình huống này, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Tiến Dũng ghi nhận thông tin và nói sẽ nhanh chóng làm rõ.

Bộ Tư pháp cho biết thêm, năm 2015, Nhà nước đã dùng hơn 16 tỷ đồng để bồi thường liên quan đến các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước (là các vụ bị hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm, làm đơn khởi kiện), đã giải quyết xong 14 vụ, với số tiền hơn 26 tỷ đồng.

100% cán bộ tham mưu cho hoạt động bồi thường kiêm nhiệm

Tại buổi họp báo, nói về tỷ lệ bồi thường còn quá thấp, ông Nguyễn Văn Bốn phân tích, về chủ quan, nhận thức một số bộ phận đơn vị, công chức về ý nghĩa, vai trò của bồi thường nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức tham mưu cho hoạt động bồi thường 100% kiêm nhiệm. Dưới góc độ khách quan, Cục Bồi thường nhà nước ghi nhận, trong năm 2015, phần lớn vụ việc đều rất phức tạp. Thứ nữa, bị hại đưa số tiền bồi thường rất lớn, do vậy, cần nhiều thời gian để xác minh. Ngoài ra, bất cập nhất chính là hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bồi thường nhà nước. Bởi luật quy định, cơ quan gây thiệt hại lại là đơn vị đứng ra xử lý bồi thường, từ đó tạo ra những khó khăn cho công tác này.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.