Chú voi được chờ đợi hơn 30 năm đã chết

Voi Ban Nang và voi Bảo mẫu H’Băn cùng đi ăn hồi tháng 7. Ảnh: TTBTV.
Voi Ban Nang và voi Bảo mẫu H’Băn cùng đi ăn hồi tháng 7. Ảnh: TTBTV.
TPO - Khoảng 10 giờ đêm ngày 8/10/2017, voi cái Ban Nang hạ sinh trong cánh rừng bán đảo bên hồ Lắk, huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk. Một chú voi con nặng gần 90 ký chào đời nhưng đã chết ngạt, trong nỗi buồn đau của voi mẹ, chủ voi và các chuyên gia, cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Hai năm trước, voi cái Ban Nang 38 tuổi của ông Y Mứ B’Krông ở Buôn M’Liêng, xã Đăk Liêng đã thụ thai với voi đực Y Mâm đồng trang lứa của nhà ông Đàng Năng Long ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lăk) sau một cuộc ghép đôi công phu do gia chủ tổ chức thành công tại cánh đồng dưới chân đồi Bảo Đại, có sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (TTBTV) trong việc triển khai đề tài nghiên cứu sinh sản voi nhà. Theo kết quả siêu âm, Ban Nang được dự kiến hạ sinh vào ngày 21/9/2017.

Chú voi được chờ đợi hơn 30 năm đã chết ảnh 1 Voi bảo mẫu cùng voi Ban Nang trước khi sinh lội qua hồ Lắk. Ảnh: TTBTV.

Voi Ban Nang mang thai, là tin vui không chỉ đối với chủ voi, mà còn là sự kiện được các chuyên gia Bảo tồn voi trong nước và quốc tế đặc biệt chú ý. Hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam mới có một voi cái đã thuần dưỡng duy nhất mang thai, trong bối cảnh đàn voi nhà không ngừng suy giảm, già yếu dần, từ 502 con năm 1980, nay chỉ còn lại 44 con sống tập trung tại 2 huyện Buôn Đôn và Lắk của tỉnh Đắk Lắk.

Chuyện voi nhà mang thai này được hào hứng đề cập trong các cuộc hội thảo về Bảo tồn voi như một niềm tự hào, mối quan tâm đặc biệt cả về chế độ chính sách và cách thức chăm sóc, bảo vệ voi trên Tây Nguyên.

Để phù hợp với môi trường sinh sống, “thai tượng” Ban Nang được gia chủ chăn thả ở vùng rừng bán đảo ven hồ Lắk, cách biệt với phố huyện, muốn tiếp cận chỉ có cách chèo thuyền qua mặt hồ rộng mênh mông và cuốc bộ lội rừng thêm vài cây số.

Lãnh đạo TTBTV và tổ chức Động vật Châu Á (AAF) thường xuyên cử bác sỹ thú y, chuyên gia trong và ngoài nước  đến chăm sóc, tìm được nguồn tài trợ từ tổ chức WWF Việt Nam và tổ chức PDZF của Hà Lan, thuê voi cái H’Băn khoảng 55 tuổi từ tháng 7/2017 ở khác xã về làm bảo mẫu, kề cận voi Ban Nang để sẵn sàng hỗ trợ khi thai tượng chuyển dạ, sinh con. Vận dụng Nghị định 78/2012, TTBTV còn đề xuất UBND tỉnh phê duyệt khoản tiền hỗ trợ voi sinh sản đợt đầu 171 triệu đồng, tháng 8/2017 đã trao tận tay chủ voi Y Mứ B’Krông.

Chú voi được chờ đợi hơn 30 năm đã chết ảnh 2 Voi con vừa chào đời đã chết- Ảnh của TTBTV.

Có thể nói, xưa nay hiếm thấy trường hợp thụ thai nào của voi được cả chính quyền lẫn nhiều giới, nhiều ngành trên phạm vi toàn cầu đặc biệt quan tâm đến thế. Vậy nên, thời khắc hạ sinh của voi Ban Nang càng được dư luận “nín thở” dõi theo.

Rốt cục, gần chục người, trong đó có 2 chuyên gia của Vườn thú Rotterdam sang từ Hà Lan, cán bộ TTBTV, chủ voi, voi bảo mẫu quây quần quanh con voi cái quằn quại trong cơn chuyển dạ gay go với cái thai quá già tháng, khoảng 10h đêm ngày 8/10 thảy đều thất vọng, đau xót khi chú voi con gần 90 kg vừa lọt ra lộ rõ dấu hiệu đã chết từ trước trong bụng mẹ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Luân giám đốc TTBTV buồn bã chia sẻ: Các chuyên gia nhận định voi con đã chết ngạt do quá trình chuyển dạ của Ban Nang kéo dài tới mấy ngày. Nguyên nhân, có thể do Ban Nang đã quá tuổi làm mẹ. Tuổi sinh sản lý tưởng của voi từ 13 đến 35-37 là tối đa, trong khi Ban Nang nay đã 40 tuổi.

“Ban Nang buồn lắm. Nó đứng nhìn xác con mãi, trông rất tội. Trung tâm đã bàn giao xác voi con lại cho chủ voi đem về làm lễ cúng và tiến hành chôn cất”- Ông Luân cho biết. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.