Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa vi phạm Luật Đất đai.
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới, nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, chưa có trong tiền lệ, như: Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất (Điều 4) và người được giao đất để quản lý (Điều 7); nhiều loại đất không giấy tờ sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đơn giản hoá điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ năm 2025; đa dạng hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; bổ sung nhiều khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi.
Vi phạm đất đai tại khu vực núi Đinh (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) |
Thực tế vừa qua, tại các địa phương trong cả nước, có nhiều cán bộ bị xử lý do sai phạm liên quan đất đai và khoảng 80 % vụ án tham nhũng cũng xuất phát từ đất đai nên Luật Đất đai mới còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc ngăn chặn sai phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng đất.
Để chủ động phòng ngừa các sai phạm khi Luật Đất đai năm 2024 triển khai đi vào cuộc sống trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai công tác đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo nguyên tắc đơn giản thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ các quy định thi hành Luật Đất đai 2024 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh phải ban hành; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác định giá đất của sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cũng giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm kịp thời giải quyết các đơn thư, khiếu nại liên quan công tác quản lý đất đai, có giải pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý đất đai, không để các hành vi tham nhũng, tiêu cực và không để cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm...