Chủ tịch TPHCM: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cơ chế vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất sớm triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoàn thiện cơ chế liên kết,... nhằm giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ xứng đáng ở vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Ngày 9/7, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Thành ủy – UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Tham dự và chủ trì hội nghị ở điểm cầu TPHCM có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đối với nước ta và khu vực.

Chủ tịch TPHCM: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cơ chế vượt trội ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: hcmcpv.org.vn.

Khu vực có diện tích trên 30,5 ngàn km2 (chiếm 9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng Đông Nam bộ để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị là dịp đánh giá, nêu bật những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của vùng và nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; đồng thời phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tác động tới sự phát triển của vùng và cả nước, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.

Đồng thời, hội nghị này nhằm nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá; các đề xuất kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chủ tịch TPHCM: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cơ chế vượt trội ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Cần cơ chế vượt trội để phát huy liên kết vùng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị đã được các bộ, ngành và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tích cực triển khai thực hiện, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Khu vực này tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, vượt mục tiêu đặt ra.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ cấu kinh tế của vùng dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao vượt mục tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của vùng cao nhất cả nước; các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch phát triển mạnh; đóng góp vào ngân sách cả nước của vùng Đông Nam bộ và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của vùng đạt mức cao nhất cả nước (năm 2020 đạt 265,3 triệu đồng/lao động) thể hiện chất lượng, trình độ tiến bộ của kinh tế vùng ở mức cao.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là địa bàn thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Trong vùng, TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam.

Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương trong vùng và các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị đã giúp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao thương quốc tế lớn nhất cả nước.

Chủ tịch TPHCM: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cơ chế vượt trội ảnh 3

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, hiện nay vùng đang gặp thách thức, nghiêm trọng nhất là phát triển dưới mức tiềm năng của vùng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.

Đơn cử: TPHCM đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của vùng, tuy nhiên, trong những năm gần đây, thành phố tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung của cả vùng.

Theo ông Mãi, hạn chế này một phần do định hướng chiến lược nhiều tham vọng nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế và chưa có cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế cũng như không bền vững về lao động và dân số ngày càng gia tăng.

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng; bộ máy giúp việc cần có Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng, có tổ giúp việc kể cả tổ tư vấn.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần một cơ chế đồng bộ vượt trội để có thể phát huy được liên kết vùng.

MỚI - NÓNG
Việt Nam thua ngược Thái Lan ngay tại Mỹ Đình
Việt Nam thua ngược Thái Lan ngay tại Mỹ Đình
TPO - Dẫn trước đối thủ khá sớm nhờ bàn thắng của tiền đạo Tiến Linh nhưng sự sơ hở của hàng thủ đã khiến đội tuyển Việt Nam thua liền 2 bàn, để Thái Lan thắng ngược 2-1 trong cuộc đối đầu trên sân vận động Mỹ Đình. Như vậy, đội bóng của HLV Kim Sang-sik thua cả hai trận giao hữu quốc tế trước Nga và Thái Lan.