Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch, đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, nhưng không để thiếu kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế. Trường hợp địa phương khó khăn về cân đối ngân sách cần kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý.
Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật.
Căn cứ theo tình hình dịch bệnh, địa phương quyết định về hình thức lựa chọn nhà thầu, có thể qua đấu thầu, chỉ định thầu, chào giá cạnh tranh, mua trực tiếp, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… theo Luật Đấu thầu.
Trong thời gian có dịch, trường hợp cấp bách, địa phương được thực hiện chỉ định thầu với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý, để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Về giá gói thầu, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu cần ít nhất báo giá của 3 đơn vị cung cấp hàng hoá trên địa bàn (có thể tham khảo thêm địa phương khác) để so sánh; dự toán mua sắm đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; kết quả thẩm định của cơ quan thẩm định giá; so sánh giá thị trường; giá mua sắm các gói thầu tương tự trong thời gian 30 ngày gần nhất.
Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.
UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch; không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp quản lý kinh phí mua sắm trên, nhưng không làm chậm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, năm 2020, tại một số địa phương đã xảy ra sai phạm, đội giá trong mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 nên cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý.