Một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa xác nhận, đơn vị đang tiến hành thanh tra diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ một số vụ việc liên quan trong lĩnh vực y tế từ năm 2014 đến nay.
“Trong đợt này, thanh tra cũng sẽ kiểm tra công tác bảo hiểm, khám chữa bệnh và mua sắm các trang thiết bị y tế. Chúng tôi sẽ lập 1 đoàn thanh tra, trong đó các huyện sẽ thành lập các tổ độc lập”, vị lãnh đạo này nói.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho thấy, liên quan vấn đề này, Sở Y tế Đắk Nông đang dính vào một số vụ việc liên quan. Theo đó, đơn vị này thực hiện công trình xử lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Nông thuộc dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện.
Tên của công trình này là “hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ hấp ướt tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý” với giá gần 4,5 tỷ đồng (sản xuất năm 2017, xuất xứ Hungary) bằng nguồn đầu tư Ngân hàng Thế giới (WB). Với chức năng của máy này, chất thải sau khi xử lý được cắt nhỏ, không còn hình dạng ban đầu, không còn mầm bệnh lây nhiễm.
Tuy nhiên, máy này chỉ thực hiện được một chức năng duy nhất là “hấp”, chức năng còn lại phải mua thêm trang thiết bị khác. Cụ thể, tại biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng số 08 ngày 29/6/2017, đơn vị trúng thầu cho biết, để máy hoạt động cần Ban quản lý dự án Sở Y tế Đắk Nông hỗ trợ thêm một máy cắt rác; xử lý khắc phục tiếng về ồn và mùi bốc ra từ máy hấp cắt rác; Hoàn tất thủ tục về môi trường về rác thải y tế theo quy định để đưa máy vào hoạt động sớm, an toàn hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, tại công văn số 2470 (ngày 27/12/2018 Sở Y tế Đắk Nông), BVĐK tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 4 danh mục trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Trang thiết bị đã được bàn giao cho các khoa để đưa vào vận hành, sử dụng. Nhưng còn một số vấn đề phát sinh liên quan đến máy lọc máu liên tục và máy C-ARM.
Cụ thể, máy lọc máu bệnh viện tiếp nhận cấu hình chỉ có quả lọc CRRT, quả lọc thay huyết tương tuy có nhưng còn thiếu bộ kit để sử dụng; không có quả lọc hấp phụ. Trong khi nhóm bệnh cần lọc máu phổ biến nhất tại bệnh viện là nhóm bệnh về ngộ độc cấp (ngộ độc thuốc diệt cỏ…), nhưng máy này lại không có, chưa đáp ứng được nhóm bệnh lọc máu. Đến nỗi, chuyên gia Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) tại đề án tổng kết 1 năm (về Đề án bệnh viện vệ tinh) nhận xét: Máy này không hiệu quả cho bệnh nhân ngộ độc.
Đáng nói, trước khi mua loại máy này, Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Đắk Nông) đã ghi rất rõ yêu cầu về cấu hình (nhưng thực tế máy tiếp nhận chưa đầy đủ chức năng, cấu hình đề nghị). Máy lọc máu tại bệnh viện nhận, Bệnh viện Nhân dân 115 đã không sử dụng 15 năm nay, nên không thể nhận chuyển giao kỹ thuật. Ngoài ra, đối với máy C-ARM dù đầy đủ tính năng, nhưng không thể đăng nhập, lưu trữ chuyển dữ liệu của bệnh nhân.
Báo cáo số 20 của Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông khi làm việc tại BVĐK tỉnh này cho rằng, áp lực hiện nay của bệnh viện là tình trạng xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu hụt về nguồn lực; đặc biệt thiếu đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao (có tâm huyết, kinh nghiệm, uy tín) ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ngày càng lớn.
“Một số trang thiết bị y tế thiếu đồng bộ, lỗi thời, lạc hậu, công năng chưa đáp ứng được yêu cầu công tác khám chữa bệnh hiện nay… Sở Y tế đã đầu tư một số dự án sửa chữa nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số gói thầu đã được sửa chữa hiện nay chưa hợp lý, chưa đáp ứng được tiến độ và chất lượng…”, lược trích báo cáo số 20.