Chủ tịch Quốc hội: Tin tưởng chất vấn sẽ sôi nổi, nhiều hiến kế cho Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội tin tưởng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Sáng 4/6, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, bắt đầu từ sáng hôm nay, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Ngay từ đầu tháng 4/2024, trước khi triệu tập Kỳ họp thứ 7, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội: Tin tưởng chất vấn sẽ sôi nổi, nhiều hiến kế cho Chính phủ ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Như Ý

Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn kỹ lưỡng 7 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 nhóm vấn đề để Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Người đứng đầu 4 lĩnh vực này sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn; cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.Theo đó, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn;

Mỗi lượt chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mong đại biểu nói chậm, nói rõ, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút; mỗi đại biểu chỉ nên tập trung vào 1 - 2 vấn đề tâm đắc và trong phạm vi nội dung chất vấn tại kỳ này.

Đại biểu Quốc hội được tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; người hỏi không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với các đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó.

Theo dõi, ghi chép tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5 vừa qua, ông Trần Thanh Mẫn thấy đại biểu Quốc hội có nêu 7 vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường; 4 vấn đề thuộc lĩnh vực công thương; 2 vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trả lời một số nội dung; trân trọng đề nghị đại biểu Quốc hội, để tránh trùng lắp nội dung chất vấn, nếu thấy thật cần thiết thì mới trao đổi lại”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.

Lãnh đạo Quốc hội tôi tin tưởng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

MỚI - NÓNG