Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý khi bán thuốc qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân nên cần có chính sách quan tâm phát triển.

Chiều 16/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược.

Liên quan đến loại hình kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là quy định cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể hơn về điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý khi bán thuốc qua mạng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc phải cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Bởi bán thuốc trực tiếp hay qua thương mại điện tử phải kiểm soát nghiêm ngặt, do thuốc là mặt hàng tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro, hậu quả khi mua thuốc trực tuyến. Ngoài ra, cần đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước khi bán thuốc qua mạng để đảm bảo an toàn cho người mua.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đã sản xuất được các loại thuốc thông thường, song có tới 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu, đa phần thuốc đặc trị vẫn phải nhập từ nước ngoài. “Phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân nên cần có chính sách quan tâm phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Quốc hội đề nghị rà soát quy định, luật hóa các chính sách, khuyến khích ngành này phát triển, như chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất dược công nghệ cao thông qua việc thúc đẩy liên doanh hợp tác nước ngoài, chuyển giao công nghệ; cơ chế mua sắm thuốc phù hợp với sản xuất trong nước; chú trọng cơ chế đàm phán giá trong chuyển giao công nghệ…

Đồng thời, cần nghiên cứu rà soát, luật hóa một số chính sách ưu đãi với sản phẩm đầu ra với các cơ sở sản xuất thuốc trong nước, trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, phát triển công nghiệp dược là vấn đề quan trọng cần phải đặt ra, cần chính sách đột phá thúc đẩy công nghiệp dược, song dự thảo vẫn chủ yếu mang tính quan điểm, chưa có các quy định cụ thể.

Theo ông Tùng, phải làm rõ thế nào là ưu đãi đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt trong công tác nghiên cứu để phát triển công nghiệp dược. Nếu Luật không quy định cụ thể, khi Chính phủ ban hành Nghị định sẽ rất khó làm rõ, không tạo ra được bước đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp dược.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.