Tập trung sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ
Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.
Sau hơn 7 năm triển khai, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển theo hướng công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính; một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá…
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, theo bà Đào Hồng Lan, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 43 điều so với hiện hành.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện ngay thì chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều để giải quyết ngay một số tồn tại hiện hữu, có ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân. Theo đó, cần tập trung sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ, đã được khẳng định qua thực tiễn vừa qua.
Bổ sung trách nhiệm các bộ trong quản lý nhà nước về giá thuốc
Đáng lưu ý, lần sửa đổi này được thực hiện theo hướng khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc…
Dự án cũng mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài được nhận lại thuốc gia công, mua lại thuốc chuyển giao công nghệ để bán tại Việt Nam.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung một số quy định liên quan đến quyền phân phối thuốc của các cơ sở kinh doanh dược FIE, điều chỉnh quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp này đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên.
Đồng thời, lần sửa đổi này cũng bổ sung thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc cho thống nhất, đồng bộ với Luật Giá và các luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.
“Cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng”, cơ quan thẩm tra nêu.