Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải để cán bộ sống được bằng tiền lương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải để cán bộ sống được bằng tiền lương
TP - Làm việc với lãnh đạo Hà Nội ngày 4-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Phải làm sao để cán bộ sống được bằng tiền lương”, thành phố phải lưu ý kiểm tra, giám sát để giảm tiêu cực trong bộ máy.

> Chủ tịch nước làm việc với Bộ Công an
> 'Chống tham nhũng không tới sẽ bị 'đánh trả'

Chiều 4-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội.

Đề cập vấn đề biên chế của cán bộ ở cấp cơ sở hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Đây là vấn đề đại sự. Hiện nay, bộ máy rất đông nhưng chưa thực sự mạnh. Nhiều xã phường có tới 300-400 cán bộ, nhưng vẫn còn kêu thiếu.

Tới đây, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí cán bộ, không thể để chồng chéo, nhùng nhằng như giai đoạn trước đây... Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy song phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao lên.

Số lượng biên chế phải đi đôi với trình độ, chất lượng. Hiện nay, số lượng thì ngày một phình ra trong khi đời sống lại chưa đảm bảo. Do đó, câu chuyện không thể né tránh là tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức”.

Chủ tịch nước chỉ ra một số vấn đề lớn như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức còn có độ vênh; việc hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành; kiểm tra thực tế hiện nay ở cấp cơ sở cho thấy, còn rất nhiều hạn chế trong quản lý đô thị, đất đai, môi trường, giao thông; mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn chưa rõ... Theo đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhìn tổng thể, bộ máy của TP Hà Nội đã tinh gọn hơn trước đây.

Báo cáo với Chủ tịch nước, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho rằng: Hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý của bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, thị xã ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quy hoạch và bố trí cán bộ theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập. Một số cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất còn cồng kềnh.

Chẳng hạn, việc sáp nhập ba Sở (Thể dục thể thao, Du lịch, Văn hóa thông tin) thành Sở VH-TT&DL không phát huy được hiệu quả, thậm chí làm giảm tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô; hay việc sáp nhập Ban Tôn giáo và Sở Nội vụ cũng gây khó khăn nhất định cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết vấn đề tôn giáo của thành phố...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.