Chủ tịch nước: Làm người bình thường hơn 'đóng vai to' mà bị xem thường

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3. Ảnh: Huy Thịnh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Ngày 16/5, tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3 (TPHCM) trước kỳ họp thứ 9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận: Hồi xưa gian khổ, đoàn kết một lòng mà rất thẳng thắn với nhau, bị địch đánh không khai báo đồng đội, giờ đụng tới chuyện nội bộ thì sợ ông này, ông kia, sợ bị trù dập. Cái dũng khí không còn nữa.

Cán bộ “2Đ” vẫn còn rất nhiều

Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt (phường Cô Giang, quận 1) bày tỏ: Vừa qua, tôi về một số thôn quê ở miền Bắc. Ngày xưa nơi đây rất nghèo nhưng bây giờ thì bộ mặt nông thôn đã thay đổi rất nhiều. Nhiều nhà lầu, đường sá khang trang. Đến lúc hỏi mới biết phần lớn cán bộ đều là cán bộ 2Đ (đất và đô la). Đời sống người dân khá lên nhưng niềm tin đang bị mất đi.

“Trước kia chi thường xuyên chỉ 50%, bây giờ lên tới 72 -73% tổng ngân sách quốc gia. Mình giải thích rằng do công tác an sinh xã hội tăng cường trong giai đoạn kinh tế xã hội có khó khăn. Nghe rất phải. Tiền vào dân thì tốt quá nhưng cái phải chỉ đúng một phần. Một phần nữa là bởi bộ máy. Đừng đổ thừa cho dân hết”.         

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận thực trạng cán bộ 2Đ là có thật. Trong dự thảo văn kiện gửi đến cấp cơ sở, cấp quận huyện cũng giữ nhóm từ này xin ý kiến toàn Đảng và nhân dân. Đây là một điều hết sức day dứt, gây bức xúc trong toàn đảng, toàn dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn những người tham gia đại hội Đảng các cấp không đưa những cán bộ 2Đ vào cấp ủy để làm hại dân, hại nước, gây mất uy tín của Đảng.

“Anh em hàng ngày có thể đi uống cà phê chung, đi chơi chung nhưng chuyện quốc sự là quốc sự, chuyện Tổ quốc là Tổ quốc, dứt khoát không suy chuyển, đừng vì tình riêng mà lẫn lộn đến nghĩa vụ với Tổ quốc. Nếu làm được như vậy chắc chắn rằng những ông bà 2Đ này phải đưa ra ngoài” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị các cử tri mạnh dạn chỉ ra những cán bộ tha hóa, biến chất và phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Mọi phản ánh sẽ được xác minh, kể cả đơn thư không ký tên. Mọi chuyện phải minh bạch trước khi quyết định phương án nhân sự. Tất cả phải vì dân, vì nước chứ không vì cá nhân nào cả.

“Đại hội cử ra những người vì dân, vì nước. Hôm rồi, tôi đối thoại với mấy ông bạn ngoài Bắc dịp 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nói căng thẳng với nhau. Tôi nói sao lạ. Hồi xửa, thời kỳ khó khăn gian khổ, đoàn kết một lòng mà rất thẳng thắn với nhau. Bị địch đánh nghiến răng chịu đựng không khai báo. Giờ đụng tới chuyện nội bộ thì sợ ông này, ông kia, sợ bị trù… Đảng mà như vậy thì mất chỗ dựa của nhân dân; không vì lợi ích của tổ quốc, nhân dân nữa mà là vì lợi ích của mình. Làm một người bình thường mà được kính trọng còn hơn đóng vai to mà bị nhân dân xem thường” - Chủ tịch nước nói.

Luật bất cập, dân bị đẩy vào vòng lao lý

Cử tri Trần Phát Lạt bức xúc: Ở Hà Tĩnh, cẩu tặc bị dân vây bắt giao nộp cho chính quyền thì được thả vì giá trị tang vật không lớn. Trong khi đó, hành vi của cẩu tặc có tổ chức, manh động, sẳn sàng giết chết nạn nhân. Quá bức xúc, người dân mới đánh chết kẻ trộm và bị khởi tố, phạt tù. Nhà máy điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm kéo dài, dân phản ánh, khiếu nại không được giải quyết. Đến lúc họ bức xúc chặn đường, cơ quan chức năng mới đình chỉ hoạt động của nhà máy. Nhưng rồi công an vào cuộc điều tra hình sự những người chặn đường.

“Gần đây là nạn đinh tặc hoành hành trên quốc lộ 1 ở TPHCM, pháp luật bó tay. Bộ luật Hình sự còn bất cập nên người dân tự hành xử và mới bị đẩy vào vòng lao lý” - ông Lạt nói.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, kể cả những biện pháp chế tài. Những phản ánh của cử tri rất đáng ghi nhận.

 Đề cập đến ý kiến của nhiều cử tri về tình trạng cồng kềnh của bộ máy hành chính, nạn lạm phát cấp phó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết biên chế đã tăng hơn hai lần chỉ trong vòng mười năm.

Chúng ta hô hào cấp phó chỉ từ 3-5 người thôi nhưng rồi cứ vọt lên. Tôi nhớ ông Rứa (Tô Huy Rứa, trưởng Ban Tổ chức Trung ương) chất vấn một ông trong Chính phủ thì ông này trả lời “do nhập Bộ”. Bộ X có nhập đâu, sao có tới 8-9 ông phó. Cái này là khuyết điểm rồi. Bộ máy cần phải gọn về số đầu mối và về số lượng cấp phó. Vừa rồi trung ương có một phiên họp riêng về biên chế và giao cho Bộ Chính trị phải kiểm soát chặt chẽ” - Chủ tịch nước chỉ rõ.

MỚI - NÓNG