Chủ tịch nước chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ Safari

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc người dân
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc người dân
TP - Ngày 21/5, tại huyện Củ Chi (TPHCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết khiếu nại của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thảo Cầm viên mới Sài Gòn (Safari).

Safari là một trong những vụ khiếu kiện nổi cộm ở TPHCM do người dân không đồng thuận với chính sách bồi thường, tái định cư.

Sẵn sàng chia sẻ

Theo ông Đoàn Văn Xuân (xã An Nhơn Tây), việc thu hồi hơn 485 ha đất để thực hiện dự án Safari của UBND TPHCM khi chưa được Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất là chưa đúng quy định, dẫn đến việc áp dụng giá bồi thường của năm 1995, cũng là sai.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định trong 705 hồ sơ thuộc hai xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, có đến 578 hồ sơ bồi thường sai. Cụ thể: Cùng một loại đất, nhưng được áp dụng 3 loại giá khác nhau là 60.000 đồng, 75.000 đồng và 150.000 đồng cho mỗi m2, dẫn đến sự không công bằng trong việc hưởng chính sách giữa các hộ.

“Giá bồi thường 60.000 đồng/m2 hiện nay chỉ tương đương một tô phở. Người dân đã chấp nhận giá bồi thường là 150.000 đồng/m2. Các trường hợp đã nhận tiền bồi thường giá 60.000 đồng/m2 và 75.000 đồng/m2 đề nghị được nhận thêm khoản tiền chênh lệch kèm tiền lãi trong 17 năm qua. Chấp nhận giá này là đã rất thiệt thòi nhưng vì trách nhiệm của người dân Củ Chi, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với chính quyền” - ông Xuân nói.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cho rằng dù trên đất bị thu hồi có nhà hay không, người dân cũng cần được xem xét, bố trí tái định cư bởi thực tế có nhiều trường hợp bị thu hồi đến 3 ha nhưng không được hưởng tái định cư do không có nhà trên đất. Ngoài ra, nhiều trường hợp chưa được chính quyền chi đủ tiền hỗ trợ tạm cư trong thời gian chờ bố trí nền tái định cư...

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 97%. Toàn dự án có hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó còn 15 hộ đang khiếu nại. Tiền bồi thường 15 hộ chưa nhận, UBND huyện đã gửi vào ngân hàng 17 năm qua và đến nay lãi phát sinh lên tới 25 tỷ đồng.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc chi tiền cho 578/705 hồ sơ là sai, dẫn đến nhà nước phải chi thêm hơn 104 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết luận thanh tra không buộc thu hồi lại tiền chi sai do việc chi sai có lợi cho dân. Riêng về nền tái định cư, tuy ban đầu thiếu nhưng sau khi cân đối, đến nay đã dôi dư hơn 30 nền, chỉ cần UBND TPHCM chấp thuận thì sẽ phân bổ cho dân.

“Tiền chi trả tạm cư chưa chi đủ là do ngân sách cấp về không đủ. UBND huyện đã báo cáo đề nghị thành phố bổ sung để tiếp tục chi đủ cho người dân” - ông Phú nói và cam kết sẽ cố gắng giải quyết, hoàn thành ngay trong quý 3/2021.

2 tháng phải giải quyết xong

“Dự án nếu không làm thì phải thu hồi chứ không được để treo hoài, không được để nhà đầu tư “xí” đất, trong khi người dân không được xây sửa nhà cửa”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Sau khi lắng nghe ý kiến người dân và báo cáo của chính quyền địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến đều có trách nhiệm đối với việc phát triển dự án và quê hương Củ Chi.

Người dân ý thức được trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và kiến nghị những vấn đề cụ thể trên tinh thần phát huy truyền thống quê hương anh hùng của huyện Củ Chi chứ không phải đặt lợi ích cá nhân của mình lên quá cao.

Ngoài ra, buổi gặp gỡ đối thoại còn cho thấy tinh thần cầu thị, tiếp thu của lãnh đạo huyện.

Theo Chủ tịch nước, dự án Safari đã triển khai được 17 năm, trải qua nhiều giai đoạn và có kết quả bước đầu. Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận, trong đó chỉ rõ những vấn đề đúng, sai liên quan đến vấn đề quản lý đất đai. Vụ việc đã được rút kinh nghiệm và đã xử lý kỷ luật một số cán bộ có sai phạm.

Về giá bồi thường cho người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ không thể áp dụng giá đất của 10 năm trước. Việc áp giá đền bù nói trên khiến người dân bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền không hồi tố tất cả các trường hợp đã giải quyết mà chỉ giải quyết cho các hộ chưa nhận tiền.

Chủ tịch UBND TPHCM chịu trách nhiệm duyệt phương án giải quyết vướng mắc đối với 15 hộ còn lại của dự án trên cơ sở đề nghị của huyện Củ Chi. Trong quá trình giải quyết, UBND huyện phải lắng nghe người dân và báo cáo Chủ tịch nước.

“Hộ nào chưa giải quyết thì giải quyết. Nếu như bà con chưa nhận số tiền đền bù, tiền đó chưa gửi ngân hàng, thì phải tính lãi suất cho bà con. Còn tiền đã gửi ngân hàng, sinh ra lãi suất rồi, thì phần đó bà con được hưởng. Chính quyền phải vận dụng pháp luật phù hợp, thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, không để xảy ra vụ việc phức tạp ở địa phương” - Chủ tịch nước nhấn mạnh và thống nhất giải quyết nền tái định cư cho các hộ có đất bị thu hồi để giải quyết nhu cầu về nhà ở.

Chủ tịch nước yêu cầu UBND TPHCM và huyện Củ Chi sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc ở án Safari, tránh tình trạng chỉ còn 15 hộ mà dự án chưa triển khai được.

“Đất thép thành đồng mà để khiếu nại dai dẳng mãi thì cũng mang tiếng huyện Củ Chi, mang tiếng TPHCM. Trong vòng 2 tháng, chậm nhất là 2 tháng, Chính quyền huyện Củ Chi và TPHCM phải giải quyết dứt điểm, giải quyết thấu tình đạt lý vướng mắc tại dự án Safari”- Chủ tịch nước yêu cầu và đề nghị Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cùng giám sát việc giải quyết vướng mắc của dự án Safari.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.