Lo ngại tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè
Ngày 29/5, tại buổi họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 6 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho biết, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định; đa phần các hộ kinh doanh không còn bày hàng hoá ra hè phố, lòng đường, chỉ bày bán trong khuôn viên cửa hàng.
Theo ông Khương, Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã có nhiều biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn và vẫn chủ động thực hiện 3 bước theo quan điểm, phương châm, nguyên tắc là phải kiên trì, bài bản, không rầm rộ, làm đến đâu chắc đến đó, không để tái diễn vi phạm; quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, theo ông Khương, mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững, vẫn còn điểm phức tạp cần phải xử lý, giải quyết. Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vào giờ cao điểm vẫn còn tồn tại. Nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước chưa chấp hành, vẫn tự ý để xe trên hè, lòng đường.
Bên cạnh đó, tình trạng phức tạp về trật tự đô thị tại các tuyến phố nhỏ, ngõ, ngách vẫn diễn ra và chưa có xu hướng giảm do các lực lượng chức năng mới chỉ tập trung tuyên truyền, giải quyết vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến phố lớn; việc kiểm tra, xử lý các xe dù, bến cóc, xe khách “núp bóng” xe hợp đồng để chạy tuyến cố định, xe ba bánh còn gặp nhiều khó khăn, chưa giải quyết được triệt để...
Sớm mở tuyến phố hàng rong
Theo Ban chỉ đạo 197, ngoài ra các hoạt động kiểm tra, xử lý cần phải đi kèm với công tác bố trí, sắp xếp hợp lý phục vụ cho việc kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng như thu nhập của người bị xử lý thì công tác này mới bền vững được và không bị tái lấn chiếm.
Đồng thời, đề xuất chọn có tuyến phố bán hàng rong; mở rộng các tuyến phố đi bộ; tổ chức khẩn trương rà soát các quỹ đất, các điểm của người dân hoặc của chính quyền quản lý mà có thể phục vụ cho công tác này thì cần ưu tiên đưa vào quy hoạch cấp phép và giải quyết sớm các thủ tục.
Phát biểu tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc kiểm tra xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè do lực lượng cảnh sát trật tự làm “chủ công” phối hợp với công an phường triển khai quyết liệt.
“Tôi đề nghị tăng cường kiểm tra vào các buổi trưa, có thể thấy nhìn chung các cửa hàng ăn lại bắt đầu đưa bàn ghế ra ngồi ở vỉa hè. Các buổi chiều cũng vậy, đề nghị Sở Xây dựng và công an thành phố cử những đội công tác, cùng Chủ tịch các phường đôn đốc các hộ kinh doanh chấp hành nghiệm quy định”, ông Chung yêu cầu.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Tư pháp, nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND TP xem xét để giao việc xử phạt hành vi vứt rác cho lực lượng cụ thể để triển khai ngay.
Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các sở ngành cần chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí về cả mặt được và chưa được. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về các lĩnh vực mà thành phố đang có những bước chuyển mạnh mẽ như cải cách hành chính, xây dựng đô thị xanh, cải thiện môi trường đầu tư...
Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo 197 có giải pháp bảo đảm việc giữ gìn thu gom rác thải, giữ gìn trật tự vỉa hè, không để tái lấn chiếm. “Ở những tuyến phố được đặt thùng rác công cộng, người dân đã có ý thức cho rác vào thùng, không vứt bừa bãi, ý thức của người dân nâng dần. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục duy trì, thực thực hiện đặt các thùng rác tại các tuyến phố. Tôi tin rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, ý thức của người dân trong việc vứt rác sẽ nâng cao rõ rệt”, lãnh đạo thành phố chia sẻ.
Thành phố cũng yêu cầu quận Hoàn Kiếm phải bảo đảm vệ sinh an toàn, quản lý trật tự tại phố đi bộ và các hoạt động sau 24h. Đối với công tác cấp nước sạch trong dịp hè, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng có kế hoạch, triển khai công tác cấp nước trong mùa hè, đảm bảo cấp đủ nước, không để người dân thiếu nước sinhh hoạt, trong đó đặc biệt lưu ý đến chất lượng nước.