Chủ tịch Hà Nội nêu lý do xe hút bụi hoạt động không hiệu quả

Hà Nội đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Trao đổi với cử tri Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã có những giải pháp, một là thu gom vận chuyển rác thải bằng xe, quét rác, hút bụi bằng xe, nhưng mà cũng chưa đảm bảo. “Bởi xe này phải chạy với tốc độ phù hợp, phun nước ở trước rồi mới hút bụi, nhưng hiện nay lái xe cứ chạy vù vù, nước thì không phun nên chưa hút được hết”, ông Chung chia sẻ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí.

“Thành phố đang đồng bộ rất nhiều giải pháp để chống, phòng và tiến tới giảm dần, không còn ô nhiễm. Cái này đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và có kế hoạch khoa học”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, ngay từ năm 2016, Hà Nội đã hợp tác với một tập đoàn của Paris, chính là tập đoàn hiện nay đang tư vấn giảm thiểu ô nhiễm không khí của Bắc Kinh, đang thực hiện quan trắc, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm cho Thủ đô Paris và toàn nước Pháp.  

“Trực tiếp tôi đã sang tận nơi thăm và ngày 6/5/2016, được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ ngoại giao và Thành ủy, tôi đã ký cùng với đại sứ Pháp và tập đoàn này để hợp tác toàn diện nghiên cứu và đưa ra các giải pháp chống ô nhiễm về môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí”, ông Chung nói thêm.

Ông Chung cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2020, sẽ cố gắng lắp đặt khoảng 120 trạm quan trắc môi trường trên toàn thành phố, trong đó có 10 trạm di động, lắp đặt di động ở khu vực nào có ô nhiễm để xác định thông số. “Việc đầu tiên chúng ta phải có các trạm quan trắc thì mới đánh giá được mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, đưa ra được các giải pháp có hiệu quả”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng nói về nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Nguyên nhân đầu tiên là khoảng 56 nghìn hộ gia đình đang sử dụng than tổ ong. Hà Nội đang xây dựng kế hoạch từ tháng 10/2019 cho đến 31/12/2020 ẽ vận động tuyên truyền để các hộ sử dụng than tổ ong này sử dụng sang các nguồn nguyên liệu khác như dùng điện, dùng gas… Chi phí này, các hộ có thể tính thêm vào giá thành sản phẩm.

Nguyên nhân thứ hai là chất thải từ các nhà máy ở Hà Nội và trên địa bàn các tỉnh xung quanh Hà Nội; chất thải từ các xe máy, ô tô; các xe chở rác thải, vật liệu xây dựng từ các tòa nhà.

“Trong quá trình xây dựng các công trình, chúng ta quản lý không tốt, che chắn không tốt. Trong quá trình phá dỡ các tòa nhà cũng thế. Chúng tôi đã đi các nước, người ta vừa phá dỡ vừa phun nước, không có một tí bụi nào. Các công trình được che kín mít. Nhà hàng bên cạnh vẫn mở cửa được và nếu vi phạm bị phạt rất nặng”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng kể ra các nguyên nhân như  mùi hôi thối bốc lên từ nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi, từ các con sông không được xử lý, rồi mùi từ các hố chôn lấp rác tập trung, người dân đốt rơm rạ, các vụ cháy…

Ông Chung cho biết, từ nguyên nhân đó, thành phố đã có những giải pháp, một là thu gom vận chuyển rác thải bằng xe, quét rác, hút bụi bằng xe, nhưng mà cũng chưa đảm bảo. “Bởi xe này phải chạy với tốc độ phù hợp, phun nước ở trước rồi mới hút bị, nhưng hiện nay lái xe cứ chạy vù vù, nước thì không phun nên chưa hút được hết”, ông Chung chia sẻ.

Thành phố Hà Nội hiện cũng đầu tư 3 nhà máy đốt rác phát điện, dự kiến khoảng tháng 8/2020 nhà máy đầu tiên công suất 4 nghìn tấn/ngày đêm đi vào vận hành thử. Đầu tháng 12/2020 sẽ vận hành chính thức. Hà Nội cũng đang trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng.  

Theo ông Chung, thành phố cũng đã hợp tác với các đơn vị và kêu gọi đầu tư. Tư nhân đã bỏ tiền ra nhập các thiết bị máy móc để phá dỡ các tòa nhà, nghiền vụn ra, lọc đất ra đất, cát ra cát, bê tông ra bê tông, hoàn toàn không có một tí bụi. Vật liệu này có thể tái sử dụng. Dù đã về hai năm nay nhưng chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị khi phá dỡ phải chở vật liệu đến đây. Hai là bộ xây dựng chưa có quy định dùng lại các vật liệu tái tạo này cho nên chưa hiệu quả.

Ông Chung cũng nói về giải pháp vận đông, tuyên truyền người dân không đốt rơm rạ, cùng với việc xử lý các ao, hồ ô nhiễm trên địa bàn.

“Khi tôi làm việc với Thị trưởng thành phố Frankfurt (Đức), ông ấy nói, để thành phố xanh như hiện nay mất 26 năm, thành phố Vienna (Áo) mất 32 năm. Hiện nay chúng ta có thể làm với tốc độ nhanh hơn bởi công nghệ, phương tiện, máy móc hiện đại hơn. Nhưng muốn làm tốt được phải có yếu tố quan trọng không thể thiếu được là sự cộng tác từ phía người dân, hộ gia đình. Thành phố xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và sẽ kiên trì, không phải chỉ nhiệm kỳ này mà phải làm một cách bền vững”, ông Chung nói.

MỚI - NÓNG