Chủ tịch Hà Nội:

Doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu, hiện nay, doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động ở khu vực nông thôn.

Sáng 5/7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại làng nghề trên địa bàn thành phố.

Theo UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Một số làng nghề có doanh thu cao như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; bánh kẹo, dệt kim La Phù; chế biến nông sản, thực phẩm Minh Khai (huyện Mỹ Đức); cơ khí nông cụ Phùng Xá; đồ mộc - may thôn Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh); giày da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên)...

Doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, trong quá trình chuẩn bị hội nghị đối thoại, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp, sàng lọc hơn 50 lượt ý kiến, kiến nghị của 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) bày tỏ mong muốn được thành phố tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hồng Kông (Trung Quốc); tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thành Phát (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) nêu vấn đề, lao động ở các làng nghề hiện chủ yếu là người già, nông dân, sản xuất mang tính chất “cha truyền, con nối”, chưa được đào tạo bài bản.

"Tôi đề nghị thành phố hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân tham gia học tập, sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống”, ông Thành nêu.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu, hiện nay, doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động ở khu vực nông thôn.

Ông Thanh nhấn mạnh, làng nghề có vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; mang văn hóa ra thế giới, giao lưu với thế giới.

Khẳng định lĩnh vực này, cấp ủy, cả hệ thống chính quyền từ thành phố đến quận, huyện rất quan tâm, tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô…

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, phải nghĩ lớn, làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…

“Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, ông Thanh nói, đồng thời cam kết, thành phố luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô.

Theo ông Thanh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

MỚI - NÓNG
Bộ trưởng Nội vụ nêu cách hóa giải cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Bộ trưởng Nội vụ nêu cách hóa giải cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chưa vượt được quy định của pháp luật có liên quan nên cần sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để hóa giải tình trạng cán bộ đùn đẩy, sợ sai.