Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo về các dự án BT: Kiểm điểm cá nhân, đơn vị liên quan

Cầu vượt tại nút giao Long Biên, một trong 7 dự án BT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có sai phạm.
Cầu vượt tại nút giao Long Biên, một trong 7 dự án BT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có sai phạm.
TP - Để sớm đưa ra phương án xử lý các nội dung được Thanh tra Chính phủ kết luận về các dự án BT, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu các sở ngành liên quan và nhà đầu tư “giải trình” và có giải pháp cho các nội dung kết luận. Chậm nhất, trước 15/8 các đơn vị phải có báo cáo.

Nhà đầu tư phải tính toán lại giá trị công trình

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội, từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sở KH&ĐT đã đề nghị các sở ngành, quận huyện có các dự án BT vừa được kiểm tra, yêu cầu nhà đầu tư phải rà soát, tính toán lại định mức, giá thành dự án. Tại dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội, với 14 tỷ đồng được Thanh tra Chính phủ cho rằng, nhà đầu tư tính áp dụng đơn giá và định mức không đúng làm tăng tổng mức đầu tư, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, đã đề nghị Sở Tài chính và cơ quan quản lý dự án là UBND huyện Gia Lâm yêu cầu nhà đầu tư (Cty Thành Nam) rà soát, kiểm tra lại, đặc biệt là cách áp dụng và tính định mức giá trị công trình. Tại dự án nút giao Long Biên, Sở KH&ĐT cũng đề nghị Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư là Cty Cổ phần Him Lam tính toán lại chi phí hạng mục vận chuyển dầm thép; Trung tâm Quỹ đất quận Long Biên rà soát lại công tác di dời hạ tầng dự án để làm rõ mức 3 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải giảm trừ. Với khoản 37 tỷ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm và 30 tỷ đồng phải giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư, áp sai suất vốn đầu tư tại dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương được kết luận thanh tra chỉ rõ, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, đã đề nghị cơ quan quản lý dự án (UBND quận Nam Từ Liêm) yêu cầu nhà đầu tư là Cty CP Tasco rà soát, riêng quận Nam Từ Liêm cần mời kiểm toán công trình xác định lại các mức giá áp dụng.

Tại dự án trục phía Nam Hà Tây (cũ), với 1.428 tỷ đồng được Thanh tra Chính phủ kết luận, nhà đầu tư Cienco5 phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, đã đề nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội và Sở Tài chính yêu cầu nhà đầu tư công khai, minh bạch các thông tin, giấy tờ liên quan. Cùng với đó phải chứng minh năng lực thực hiện tiếp dự án.

Trước 15/8 phải có phương án xử lý

Đánh giá về kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng, kết luận được thực hiện khi các dự án vẫn chưa quyết toán, kiểm toán và về nguyên tắc vẫn đang trong quá trình triển khai. Thực tế, trên địa bàn Hà Nội trong 10 năm qua đã thực hiện 8 dự án BT, với tổng kinh phí 13.000 tỷ đồng, tất cả các dự án này đều chưa quyết toán. Tuy nhiên, sau các lần kiểm tra chuyên ngành trước đó, thì kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa qua là các kết luận cuối cùng, do vậy các đơn vị liên quan phải thực hiện. Nhiệm vụ của thành phố và các nhà đầu tư phải rút ra được những kinh nghiệm từ kết luận thanh tra của Chính phủ, sau đó ra soát, điều chỉnh hợp lý, đúng pháp luật.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ có văn bản yêu cầu hướng giải quyết, xử lý cho từng dự án. Các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện đầy đủ, cụ thể từng nội dung.  Nội dung quan trọng phải làm là, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, lãnh đạo thành phố đề nghị làm đúng quy định nội dung này.  “Các đồng chí đôn đốc thực hiện xong các nội dung trên trước 15/8, sau đó lãnh đạo thành phố sẽ báo cáo kết quả lên Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

MỚI - NÓNG