Vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy việc quản lý đất đai tại cơ sở hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Nhiều khiếu nại về đất đai chưa được xử lý thoả đáng khiến dân bức xúc và có những phản ứng tiêu cực. Chính phủ và Bộ Công an sẽ có biện pháp xử lý ra sao để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đây là vụ việc rất đáng tiếc, xảy ra từ 15/4 đến 22/4. Mấu chốt của sự việc là từ năm 1980 nguyên Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã ký quyết định giao 208 ha đất của xã Đồng Tâm và một số bến bãi xung quanh khu đó cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn.
Năm 1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình đã quyết định giao đất, mốc giới cho Bộ Quốc phòng. Năm 2014, UB'ND TP Hà Nội quyết định đo lại toàn bộ đất đó để cho Bộ Quốc phòng. Sau khi đo lại đã chênh ra 28,7 ha. Nhân dân xã Đồng Tâm cho rằng diện tích này là đất nông nghiệp. Từ đó có sự tranh chấp, giải quyết không thấu tình đạt lý của UBND huyện Mỹ Đức.
Theo chỉ đạo của Ban Bí thư và của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội được giao nhiệm vụ đối thoại trực tiếp với nhân dân Mỹ Đức. Đây là cuộc đối thoại rất trách nhiệm của người đứng đầu thành phố. Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện việc sử dụng, quản lý đất đai của huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm.
Bộ Công an cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc trong quá trình thực hiện tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam một số đối tượng ở xã Đồng Tâm. Hiện nay Bộ Công an đã giao thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ.
Tinh thần là minh bạch, công khai. Nếu chính quyền sai thì xin lỗi dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm mà có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong việc xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết không đúng trách nhiệm thì sẽ xem xét xử lý.
Đề nghị Bộ Công an cho biết kế hoạch thanh tra việc khởi tố, bắt giữ một số người dân thôn Hoành?
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam: Sau chỉ đạo của Thủ tướng đối với các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra của Bộ để thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các quy định của Bộ Công an về sự việc ở Đồng Tâm. Hiện nay đoàn thanh tra đang làm việc, kết quả thanh tra thế nào sẽ báo cáo sau.
Vừa qua, cơ quan chức năng đã “bác” đề xuất bổ nhiệm đối với một phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, Thành ủy Đà Nẵng khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện. Đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề trên?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Việc bổ sung thêm Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng, của pháp luật liên quan đến việc khống chế số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm. Đối với trường hợp Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng được đề nghị bổ sung vừa qua, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu để tham mưu cho Thủ tướng liên quan đến hồ sơ nhân sự này.
Trong hồ sơ hiện nay, trường hợp ông Chinh (Lê Trung Chinh - pv), qua quá trình thẩm định, chúng tôi thấy rằng, có một quyết định của Thành ủy, TP Đà Nẵng điều động, luân chuyển nhân sự này từ vị trí Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố về làm Bí thư quận Ngũ Hành Sơn.
Theo quy định của Bộ Chính trị, các trường hợp cán bộ luân chuyển phải đảm bảo thời gian luân chuyển từ 3 năm trở lên nhưng ông Chính chưa qua đủ thời gian đó. Qua nghiên cứu thẩm định, chúng tôi thấy việc này liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện để nhân sự giới thiệu ứng cử Phó Chủ tịch của Đà Nẵng.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đã báo cáo trung thực và đầy đủ thực trạng liên quan đến hồ sơ nhân sự được đề nghị để bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch UBND với ông Chinh.
Sau khi có báo cáo của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã giao cho bộ này, trong thời gian tới phải vào làm việc trực tiếp với Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng để làm rõ vấn đề này, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng.