Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt ảnh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Sáng 8/11, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2022.

UBTP đề nghị Chánh án TANDTC: Tăng cường chỉ đạo các Tòa án nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, nhất là án hành chính, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao; tiếp tục tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, qua đó, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

UBTP cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. “Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa”, bà Nga cho hay.

Tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng như cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Hậu quả do loại tội phạm về trật tự xã hội gây ra tăng: tăng 2,21% về số người chết, 1,76% về số người bị thương và 32,15% về thiệt hại tài sản, gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Cũng theo bà Nga, năm 2022, công tác phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế lớn liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm minh bạch hóa thị trường, xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, bảo đảm tính răn đe cao.

Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có kết quả tích cực và đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; còn để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội.

Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn. Trong giai đoạn xét xử, còn 60 trường hợp VKS phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.

“Qua kết quả giám sát chuyên đề của UBTP năm 2022 cho thấy: tại một số VKS địa phương, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ít phát hiện được vi phạm, mặc dù có các bản án hành chính sơ thẩm bị hủy, nhưng trong nhiều năm VKS không có kháng nghị nào”, bà Nga cho hay.

Số vụ án đã xét xử đạt cao với 97,71%

Về công tác xét xử các vụ án hình sự, UBTP nhận thấy, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Mặc dù số lượng án thụ lý tăng, song số vụ án đã xét xử đạt cao (97,71%) và vượt 9,71% chỉ tiêu Quốc hội giao.

Về công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, UBTP nhận thấy, năm 2022, công tác giải quyết các vụ việc dân sự đạt kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù, số lượng thụ lý tăng nhiều (tăng 33.103 vụ, việc), song tiến độ giải quyết, nhất là án kinh doanh - thương mại được đẩy nhanh. Tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự đạt cao (đạt 87,07%) và vượt 9,07% chỉ tiêu Quốc hội giao…

Qua thẩm tra các báo cáo, UBTP đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục những hạn chế được nêu trong các báo cáo thẩm tra của UBTP. Nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn; hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra.

Chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán. Tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBTP đề nghị Viện trưởng VKSNDTC: Hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của VKS. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án hành chính và thi hành án hành chính. Tăng cường hiệu quả của Cơ quan điều tra VKSNDTC, bảo đảm các chỉ tiêu công tác đạt yêu cầu của Quốc hội... Năm 2023, xây dựng báo cáo chuyên đề về tình hình tạm đình chỉ điều tra (số liệu tạm đình chỉ đến ngày 30/9/2023) gửi UBTP.

MỚI - NÓNG