Chủ động ứng phó trước khả năng biến chủng Omicron xâm nhập

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: PV
Tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: PV
TP - Để chủ động ứng phó trước khả năng xuất hiện của biến chủng Omicron tại Việt Nam, Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch; tăng cường tiêm vét vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3; cấp phát đủ thuốc kháng virus cho tất cả những người bị nhiễm có nhu cầu được uống sớm nhất…

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở cơ sở, ngày 22/12.

Xuất hiện tâm lý chủ quan

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lí chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong văn bản gửi các tỉnh, thành ngày 22/12 yêu cầu thực hiện những biện pháp để giảm tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đặc biệt yêu cầu trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lí; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Đặc biệt các địa phương phải nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Công an tiếp tục duy trì, phát huy vai trò công an cơ sở cùng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để truy vết người tiếp xúc, quản lí người mắc tuyến cơ sở; bảo đảm an ninh an toàn các khu cách li, điều trị; quản lí người nhập cảnh; hỗ trợ, tham gia quá trình đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc để ngăn ngừa tiêu cực…

Không để thiếu thuốc điều trị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta). “Giả sử biến chủng Omicron có độc lực nhẹ đi thì vẫn có một tỉ lệ người đã tiêm đủ vắc xin bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỉ lệ bị nặng. Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm gây quá tải hệ thống y tế thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy chúng ta không được lơi lỏng cảnh giác”, Phó Thủ tướng nói.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng với biến chủng Delta khi người mắc đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam. Hệ thống y tế cơ sở phải quản lí tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lí, theo dõi sức khỏe”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa Đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Tăng nhanh ca nặng, nguy kịch vì COVID-19

Ngày 22/12, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện có 460 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở này, trong đó có 50 ca thở máy, 5 bệnh nhân chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Số ca nặng tăng đáng kể so với vài ngày trước.

Tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nơi điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng nhất, chỉ trong 1 tuần các bác sĩ đã phải chỉ định chạy ECMO cho 5 bệnh nhân, gồm 4 thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh và người phụ nữ 67 tuổi có bệnh lí nền. Ở phòng bệnh số 2 khoa Hồi sức tích cực, nữ bệnh nhân nằm mê man, xung quanh dây dợ nối thiết bị hỗ trợ sự sống với cơ thể. Chị là một trong những thai phụ mắc COVID-19 nặng, nguy kịch khi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Chủ động ứng phó trước khả năng biến chủng Omicron xâm nhập ảnh 1

Bệnh nhân nặng thở máy tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thái Hà

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Nguyễn Thị Thường cho biết, hiện nay tình trạng rất đáng báo động là những bệnh nhân chưa tiêm vắc xin kèm mắc bệnh lí nền khi nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nặng, nguy kịch rất cao. “Khoa đang có 30 bệnh nhân thở máy và 5 ca thở máy, đặt ECMO; trong đó có 10 bệnh nhân là thai phụ/phụ nữ sau sinh. Tất cả thai phụ, sản phụ này đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các bệnh nhân này chỉ 1-2 ngày đã diễn biến nặng, tiên lượng tử vong nếu không kịp thời điều trị tích cực”, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho hay.

Một trong các bệnh nhân chạy ECMO là sản phụ 27 tuổi chuyển đến từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đang mang thai những tháng cuối, mắc COVID-19 và diễn biến tăng nặng rất nhanh. Bệnh nhân từng ngừng tuần hoàn, buộc phải mổ cấp cứu bắt con. Cuối tuần qua, do diễn biến quá nặng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên hệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để cử kíp bác sĩ tới đặt ECMO cho sản phụ này và vận chuyển bệnh nhân về cơ sở 2 Đông Anh tiếp tục điều trị. Những ca còn lại, trong đó có một số chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang đều mang thai ở những tháng cuối, mắc một số bệnh lí sản khoa. “Do diễn biến nhanh, các thai phụ này bị suy hô hấp, khi các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không hiệu quả, bệnh nhân được chỉ định chạy ECMO. 5 bệnh nhân tình trạng đã tạm thời ổn định sau thời gian đặt ECMO”, bác sĩ Phúc thông tin thêm.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay khi thai nghén, hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm, là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể khó chống đỡ virus. PGS.TS Cường khuyên các thai phụ nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ cả mẹ và con.

MỚI - NÓNG