Chủ động đối phó với giá dầu thấp kỷ lục

Giá dầu thế giới xuống thấp có lợi cho người tiêu dùng song ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng do doanh số ngành dầu khí giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Giá dầu thế giới xuống thấp có lợi cho người tiêu dùng song ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng do doanh số ngành dầu khí giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sáng 29/12, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, giá dầu theo dự báo có thể xuống tới 20 USD/ thùng, tác động lớn đến ngành dầu khí. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, giá dầu năm 2016 sẽ tác động rất lớn đến ngân sách.

Đề cập đến sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giá dầu năm 2016 khả năng tác động rất lớn đến ngân sách. Bởi trong năm 2016, trong kế hoạch ngân sách được duyệt vẫn dự toán giá dầu ở mức 60 USD/thùng, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 35 USD/thùng. “Bộ đã có phương án từng mức giá, chắc tính thêm 1 phương án 30 USD/thùng để điều hành”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, giá dầu theo dự báo có thể xuống 20 USD/thùng, tác động lớn đến ngành dầu khí. Vì thế cân đối ngân sách của ngành dầu khí cần xem xét khẩn trương cho phù hợp. Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, dư địa giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là không còn. Do đó, cần tiếp tục duy trì sự ổn định về lãi suất giúp nền kinh tế phát triển ổn định.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015 cũng như 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực. Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, không được chủ quan, lơ là và thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được.

Để đảm bảo hoàn thành tốt các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra Thủ tướng đề nghị cần tập trung cải cách thể chế, đột phá cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Đối với thể chế, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể mà trước hết là hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường. “Một dự án nhỏ mà kéo dài mấy trăm ngày thì làm sao cải cách được. Một mặt chúng ta quản lý chặt chẽ nhưng phải tạo mọi thuận lợi cho dân, doanh nghiệp trong làm ăn sinh sống, cứ dân giàu nước mạnh là được”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đề nghị phải hết sức chú ý xây dựng, tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. “Chúng ta phải thay đổi, chứ cứ để địa phương xách cặp ra Hà Nội xin suốt là không được đâu”, Thủ tướng nói. Thủ tướng lưu ý trước thực trạng trong quản lý, điều hành khi giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp nhưng không phê duyệt số biên chế nên ai muốn tăng lên bao nhiêu thì tăng.

Dự kiến hạn chế phương tiện cá nhân từ năm 2020

Đề cập đến ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, nhất là trong bối cảnh lượng phương tiện gia tăng mạnh, gây nguy cơ ùn tắc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Chính phủ đã phân quyền cho địa phương. “Khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  đã giao các địa phương lập đề án trình Hội đồng nhân dân vì từng địa phương có đặc thù  khác nhau”, ông Thăng nói.

Ông Thăng cho biết thêm, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, cơ quan này đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều phương thức, trong đó tập trung đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định. Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện từ năm 2020. “Hà Nội và TPHCM chủ động lập phương án, Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện”, ông Thăng khẳng định.

Trước đó, căn cứ theo đề nghị của Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản gửi các bộ, ngành và thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên. Theo đó, các bộ, ngành và UBND các thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng.

Về công tác cải cách hành chính, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG