Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/2022), Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng hình ảnh BĐBP.
Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật này có ý nghĩa ra sao đối với nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP, thưa Thiếu tướng?
Có thể nói, Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành đã thể chế toàn diện, đầy đủ chủ trương, quan điểm, đường lối, mục tiêu của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP như Nghị quyết 28-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” đã đề ra.
Đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất, có ý nghĩa đặc biệt đối với lực lượng BĐBP, là kim chỉ nam cho các hoạt động ở biên giới và biên phòng...
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới Tây Nam. Ảnh: PV |
Luật Biên phòng Việt Nam có 3 điểm lớn, gồm: Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; Các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Những quy định cụ thể trong Luật sẽ tạo điều kiện để BĐBP tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới; khẳng định rõ vai trò chủ trì của BĐBP trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; tạo đột phá cho công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân và phát huy vai trò của BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí...
Để Luật thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Tư lệnh BĐBP đã và đang tích cực xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và triển khai các đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời triển khai thực hiện, áp dụng các điều luật trong thực tiễn công tác của BĐBP trên biên giới, đảm bảo hiệu quả, đúng nguyên tắc và pháp luật.
Mới đây, làm việc với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang đã đặc biệt yêu cầu: Cán bộ Biên phòng phải thuộc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài. Xin Thiếu tướng chia sẻ về điều này?
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của BĐBP và đặc điểm tình hình dân cư vùng biên giới nước ta, nhằm thực hiện tốt phương châm “Nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, từ nhiều năm trước đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành các Chỉ thị, kế hoạch về việc học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc và tiếng nước láng giềng đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, xác định đây là nhiệm vụ và phương tiện để cán bộ chiến sĩ biên phòng thêm “gần dân - hiểu bạn”.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP |
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Nghị quyết số 79-NQ/ĐU ngày 14/12/2020 về lãnh đạo thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” và học tập tiếng dân tộc thiểu số trong BĐBP.
Hàng năm, Học viện Biên phòng và các nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo từ 15 đến 20 khóa học ngoại ngữ, chủ động biên soạn giáo án tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào và tiếng Campuchia; in ấn sổ tay thuật ngữ biên phòng song ngữ, đảm bảo mỗi học viên ra trường đều đạt trình độ A tiếng Anh và giao tiếp cơ bản ngôn ngữ nước láng giềng theo từng tuyến biên giới.
Trung bình mỗi năm, BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai khoảng 100 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc và ngôn ngữ láng giềng trên 1.100 cán bộ bằng các hình thức học tập trung, học tại chức.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phan Văn Giang, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo Bộ Tham mưu, Cục Chính trị xây dựng bộ tiêu chí về trình độ ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn để làm cơ sở đánh giá đề bạt cán bộ hàng năm; in và cấp phát hàng ngàn đầu sách tự học tiếng Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số tiếng dân tộc như Thái, Mông, Tày - Nùng, Khmer, Ja-rai…
Chúng tôi cũng chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố đa dạng hóa loại hình, phương thức đào tạo, phát huy tinh thần “tự đào tạo” để hoàn thành nhiệm vụ với phương châm “cán bộ công tác ở địa bàn nào thì phải biết tiếng dân tộc và ngôn ngữ láng giềng tại địa bàn đó”.
Trước yêu cầu và mong muốn của Thường vụ Quân ủy Trung ương, về việc tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục hạn chế, xây dựng hình ảnh lực lượng bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực, BĐBP sẽ thực hiện yêu cầu này như thế nào?
Quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương đối với nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, quản lý mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ.
Tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật cùng các quy chế, quy định của đơn vị. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm tự quản, tự rèn không để các đối tượng câu móc, mua chuộc.
Đội hình tuần tra Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (BĐBP Quảng Trị) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn được giao quản lý, bảo vệ. Ảnh: Nguyễn Minh |
Đồng thời, quan tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và những biểu hiện cơ hội, thực dụng, sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Quân đội, làm tổn hại đến truyền thống tốt đẹp và danh dự, uy tín của Quân đội nói chung và BĐBP nói riêng.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ chỉ huy các cấp.
Duy trì thực hiện nghiêm nề nếp, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt; bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác, nhất là các mặt công tác trọng yếu, nhạy cảm; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, kỷ luật, không có vùng cấm đối với các vụ việc, cán bộ, đảng viên vi phạm.
Bộ đội Biên phòng cũng tiếp tục triển khai các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm giáo dục, động viên cán bộ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp tục phát huy truyền thống 63 năm anh hùng, vẻ vang của BĐBP, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cảm ơn Thiếu tướng!